Cúm gia cầm tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp

Cục Thú Y cho biết, tuần qua cả nước đã có thêm 9 tỉnh công bố dịch có cúm gia cầm, tình hình dịch đang được các địa phương kiểm soát song dịch cúm vẫn diễn biến phức tạp.

Theo thông tin mới nhất của Cục Thú y, trong tuần qua (từ 26/2 đến 4/3/2014) cả nước đã có thêm 9 tỉnh mới phát sinh thêm 26 ổ dịch cúm gia cầm với số gia cầm mắc bệnh và bị tiêu hủy là số gia cầm mắc bệnh mới là 34.409 con, tiêu hủy 50.757 con. 

Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay, cả nước còn 63 ổ dịch Cúm gia cầm H5N1 tại 22 tỉnh, thành phố bao gồm: Lào Cai, Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Trên cả nước hiện toàn bộ số gia cầm trong đàn mắc bệnh là 85.392 con, tổng số gia cầm đã được địa phương tiêu hủy là 110.005 con.

Cục Thú Y cho biết, trong tuần qua, dịch cúm gia cầm đã giảm 33 ổ dịch tại 10 tỉnh: Kon Tum (giảm 4 ổ dịch), Tây Ninh (giảm 3 ổ dịch), Khánh Hòa (giảm 7 ổ dịch), Quảng Ngãi (giảm 4 ổ dịch), Nghệ An (giảm 2 ổ dịch), Vĩnh Long (giảm 5 ổ dịch), Bình Định (giảm 2 ổ dịch), Đắk Lắk (giảm 2 ổ dịch), Nam Định (giảm 1 ổ dịch) và Long An (giảm 3 ổ dịch).

Bên cạnh đó, các địa phương có ổ dịch cũ gồm tỉnh: Nam Định, Long An, Kon Tum, Đắk Lắk đã qua 21 ngày và trong tuần tới, nếu các địa phương kiểm soát tốt, không để phát sinh thêm ổ dịch mới thì dịch ở các tỉnh Lào Cai và Phú Yên cũng sẽ qua 21 ngày.

Tuy nhiên, nhận định tình hình dịch cúm gia cầm trong tuần qua, Phó Cục trưởng Cục Thú Y ông Đàm Xuân Thành cho biết, các ổ dịch vừa qua xảy ra chủ yếu trên đàn gia cầm nuôi tại các hộ gia đình nhỏ lẻ và đã được chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn thú y phát hiện và xử lý kịp thời, song dịch cúm vẫn còn tiếp tục gia tăng và tuần tới dự kiến sẽ phát sinh thêm 1-2 ổ dịch mới đồng thời diễn biến dịch cúm vẫn hết sức phức tạp.

“Riêng tại Khánh Hòa và Trà Vinh có nhiều ổ dịch với số lượng lớn gia cầm mắc bệnh phải tiêu hủy. Trong thời gian tới nguy cơ phát sinh và lây lan là rất cao nếu các địa phương không thực hiện tốt công tác phòng chống dịch,” ông Đàm Xuân Thành nói.

Trước tình hình trên, Chỉ đạo tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống cúm gia cầm và dịch lở mồm long móng vừa diễn ra chiều nay (4/3), tại Hà Nội, Thứ Trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông Thôn Vũ Văn Tám nhấn mạnh, nhiệm vụ cấp bách số một là cần phải tiến hành khoanh vùng, dập dịch và không được để phát sinh thêm ổ dịch mới.

“Mặt khác, các địa phương tiếp tục chỉ đạo sát sao và theo dõi diễn biến tình hình dịch để chủ động có biện pháp đối phó đồng thời kết hợp với các bộ ngành liên quan để siết chặt công tác buôn lậu gia cầm trái phép qua các tỉnh khu vực biên giới. Đặc biệt, các địa phương cần chú trọng đến việc tiêu thụ gia cầm, đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học và tạo các kênh kết nối người sản xuất với thị trường để người tiêu dùng tiếp cận được sản phẩm đảm bảo an toàn và tránh việc thổi phồng thông tin dịch bệnh làm ảnh hưởng đến thị trường chăn nuôi,” Thứ trưởng Vũ Văn Tám nêu rõ.

Tại cuộc họp, các thành viên trong Ban chỉ đạo cũng thống nhất quan điểm, các địa phương cần đẩy mạnh việc truyền thông đến các hộ chăn nuôi công khai các ổ dịch, kết hợp tuyên truyền các kinh nghiệm và trao đổi các giải pháp phòng chống dịch giữa các địa phương để có biện pháp chủ động phòng tránh đồng thời không được tạo tâm lý hoang mang tránh ảnh hưởng đến giá cả các sản phẩm gia cầm trên thị trường.

Cục Thú y đang hoàn tất thủ tục nhập thêm 60 triệu liều vắcxin H5N1 dự phòng để chống dịch. 

Kết quả kiểm tra vừa qua cho thấy, chưa phát hiện vi rút H7N9 trên các mẫu xét nghiệm tại Việt Nam./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục