Củng cố vị trí trung tâm duy nhất về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Ông Đinh Thế Huynh yêu cầu Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh củng cố vị thế, vai trò là trung tâm quốc gia duy nhất có chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, lãnh đạo, quản lý.
Củng cố vị trí trung tâm duy nhất về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ảnh 1Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Sáng 19/9, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã có buổi làm việc với các cán bộ chủ chốt của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Báo cáo về tình hình Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện nêu rõ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận, chính trị của hệ thống chính trị; trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý.

Hiện nay, toàn học viên có gần 2.500 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Trong lĩnh vực đào tạo, Học viện chú trọng xây dựng khung chương trình, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, đảm bảo tính hệ thống, tính hiện đại của chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Nội dung chương trình đào tạo cập nhật những vấn đề mới của Văn kiện Đại hội XII của Đảng, những vấn đề mới của thực tiễn phát triển trong nước, đặc biệt là tác động bối cảnh quốc tế để bài giảng sống động, đi vào thực chất.

Với 3 hệ lớp đào tạo: Hệ đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị cao cấp; Hệ lớp bồi dưỡng chức danh; Hệ lớp đào tạo đại học, thạc sỹ, tiến sỹ về lý luận chính trị, xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh xác định chất lượng đào tạo là khâu trọng tâm trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các Ban Đảng Trung ương, Văn phòng Trung ương, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương thảo luận về một số vấn đề lớn đang đặt ra đối với Học viện, tháo gỡ những khó khăn, thách thức về đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, nâng cao chất lượng nghiên cứu lý luận, nghiên cứu khoa học; tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động; công tác cán bộ, cơ sở vật chất, hậu cần kỹ thuật; Định hướng phát triển Học viện giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Kết luận buổi làm việc, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ông Đinh Thế Huynh biểu dương những nỗ lực và kết quả công tác mà cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Học viên đã đạt được trong thời gia qua. Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, Học viện đã quan tâm đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng; đã đưa vào sử dụng bộ giáo trình trung cấp và cao cấp lý luận chính trị mới với nhiều chuyên đề chứa đựng những kiến thức cơ bản, gắn lý luận với thực tiễn và những tri thức hiện đại có chọn lọc.

Học viện đã tích cực triển khai các lớp bồi dưỡng theo chức danh: các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp ở Trung ương, các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở các tỉnh, thành phố, các lớp bồi dưỡng bí thư cấp uỷ cấp huyện.

Với những nỗ lực đó, Học viện đã góp phần quan trọng trong việc tham gia chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội XII của Đảng, tiếp tục chuẩn bị đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt đương chức và dự nguồn của hệ thống chính trị...

Nêu rõ những thế mạnh và hạn chế, khó khăn của Học viện, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh nhấn mạnh để tiếp tục phát triển Học viện ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, cần phải củng cố vị thế, vai trò của Học viện với tư cách là Trường Đảng cao cấp của Trung ương Đảng, một trong các cơ quan Trung ương của Đảng và là trung tâm quốc gia duy nhất có chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, lãnh đạo, quản lý cho toàn bộ hệ thống chính trị.

Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Học viện cần tiếp tục đổi mới nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo phương châm: cơ bản, hệ thống, hiện đại và thực tiễn; xây dựng chương trình cao cấp lý luận trong đó chứa đựng những nội dung mang bản sắc riêng của Trường Đảng Trung ương, không tồn tại ở bất cứ cơ sở đào tạo nào khác trong cả nước.

Đồng thời, Học viện cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học vừa để phục vụ nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, vừa góp phần cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chủ trương, chiến lược.

Thường trực Ban Bí thư chỉ rõ nhân tố quyết định chất lượng công tác của toàn Học viện trong thời gian tới là nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đội ngũ cán bộ của Học viện phải là nguồn nhân lực cao về phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, phong cách, đồng thời phải có trình độ chuyên môn sâu sắc, có hiểu biết, kinh nghiệm thực tiễn, được làm việc trong môi trường sư phạm mẫu mực và trong điều kiện cơ sở vật chất-kỹ thuật hiện đại.

Cho rằng những giải pháp, kiến nghị đề xuất của Học viện nhìn chung đã trúng vào những vấn đề căn cốt và cấp thiết đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu lý luận, Thường trực Ban Bí thư đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội quan tâm tạo điều kiện cho Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tháo gỡ những khó khăn; cần ưu tiên đầu tư phát triển Học viện trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục