Cuộc chiến thương mại đe dọa đến sự tồn tại của các nhà máy Trung Quốc

Giám đốc điều hành Li & Fung, ông Spencer Fung cảnh báo nguy cơ của nhiều nhà máy tại Trung Quốc do chuỗi cung ứng toàn cầu chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Cuộc chiến thương mại đe dọa đến sự tồn tại của các nhà máy Trung Quốc ảnh 1Ông Spencer Fung, CEO của công ty Li & Fung. (Ảnh: Financial Times)

Li & Fung Ltd. là một trong những công ty chuyên thiết kế, sản xuất và cung cấp hàng tiêu dùng từ châu Á cho những nhà bán lẻ hàng đầu thế giới. Khách hàng của Li & Fung bao gồm nhiều tập đoàn bán lẻ tại Mỹ như Walmart, Nike…

Tuy nhiên, nhiều khách hàng Mỹ của Li & Fung đang thúc giục công ty này di chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế hàng hóa nhập khẩu từ cường quốc kinh tế số một châu Á này.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, Giám đốc điều hành (CEO) của Li & Fung, ông Spencer Fung chia sẻ: “Các khách hàng Mỹ của chúng tôi đang rất lo lắng. Tất cả khách hàng của chúng tôi đều đang không thu được nhiều lời nhuận, phần lớn trong số đó nhập một lượng lớn hàng từ Trung Quốc. Chính vì vậy, nếu nguồn hàng quan trọng nhất tăng giá thêm 25%, họ sẽ cảm thấy rất lo lắng”.

Đóng vai trò trung gian kết nối các “gã khổng lồ” về bán lẻ tại Mỹ với những nhà máy sản xuất giá rẻ ở châu Á, Li & Fung có một góc nhìn tương đối cặn kẽ về sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra trên thế giới.

[Mỹ-Trung Quốc đối thoại thương mại sau hai tháng gián đoạn]

Dù Washington và Bắc Kinh đã bắt đầu nối lại đàm phán, song vẫn có nhiều dấu hiệu cho thấy chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn trước đây phụ thuộc vào “công xưởng của thế giới” là Trung Quốc, chuẩn bị có sự thay đổi lâu dài. Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Intel, Apple hay Amazon đang xem xét lại chuỗi cung ứng của mình.

Ông Spencer Fung nhận định: “Không ai dám mạnh dạn đầu tư hay mua bán gì. Cuộc chiến thương mại đang khiến mọi người dừng các hoạt động đầu tư, bởi họ không biết phải rót tiền vào đâu. Nhiều người sẵn sàng đổ tiền vào Việt Nam chỉ với một dòng tweet”. Ông Fung dường như muốn đề cập đến việc Tổng thống Trump thường xuyên sử dụng mạng xã hội Twitter để công bố các chính sách thương mại của Mỹ.

Theo ông Fung, trong bối cảnh các nhà máy tại Trung Quốc chịu thiệt hại, nhiều trung tâm sản xuất khác tại châu Á đang được hưởng lợi phần nào. Tuy nhiên, không có nơi nào có thể đáp ứng được khả năng sản xuất “khủng khiếp” như của Trung Quốc.

Ông Fung lấy ví dụ về Việt Nam, khi cho rằng các nhà bán lẻ Mỹ hiện đã “chiếm” hết toàn bộ khả năng sản xuất của đất nước láng giềng với Trung Quốc này và "họ không thể đáp ứng thêm được nữa. Không còn chỗ để các doanh nghiệp Mỹ chen chân vào."

Ông Fung cũng cho rằng, giờ là cơ hội tốt đối với các hãng bán hàng tiêu dùng tại châu Âu và Nhật Bản, khi nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đang hạ giá thành sản xuất “trong tuyệt vọng." Thậm chí, Li & Fung còn khuyến khích các khách hàng ở ngoài nước Mỹ chuyển hướng sang các nhà máy tại Trung Quốc, với giá thành rẻ và nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất.

CEO Li & Fung nói: “Đây là một cơ hội đối với các nhà bán lẻ nằm ngoài nước Mỹ. Tại Trung Quốc, có rất nhiều nhà máy bị cắt giảm số lượng đơn đặt hàng nên họ sẵn sàng mời chào khách hàng mới với giá thành vô cùng tốt”./.

Cuộc chiến thương mại đe dọa đến sự tồn tại của các nhà máy Trung Quốc ảnh 2Trụ sở của Li & Fung. (Ảnh: Drapers)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục