Cuộc đời và sự nghiệp của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thập

Cuộc đời hoạt động và những đóng góp của bà Nguyễn Thị Thập đã tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam; trở thành niềm tự hào, nguồn động lực lớn cho các thế hệ phụ nữ.
Cuộc đời và sự nghiệp của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thập ảnh 1Bà Nguyễn Thị Thập (thứ 2 từ trái sang) trò chuyện thân mật với các đại biểu tại Đại hội phụ nữ lần thứ IV, tháng 3/1974. (Nguồn: phunuvietnam.vn)

Ngày 9/3, nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thập, Tỉnh ủy Tiền Giang phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo đồng chí Nguyễn Thị Thập - Cuộc đời và sự nghiệp.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa nhấn mạnh bà Nguyễn Thị Thập là tấm gương tiêu biểu của những người mẹ, người vợ Việt Nam kiên trung bất khuất, có chồng và hai người con trai hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Cuộc đời hoạt động và những đóng góp của bà Nguyễn Thị Thập đã tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam; trở thành niềm tự hào, nguồn động lực lớn cho các thế hệ cán bộ hội viên, phụ nữ cả nước ra sức thi đua cống hiến xây dựng đất nước Việt Nam tươi đẹp.

Tại Hội thảo, 15 tham luận đã khắc họa rõ nét chân dung người chiến sỹ cộng sản Nguyễn Thị Thập, trong suốt gần 60 năm tham gia hoạt động cách mạng, luôn khắc phục mọi khó khăn, nguy hiểm, không sợ hy sinh để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Các tham luận cũng khẳng định bà Nguyễn Thị Thập là một người lãnh đạo Hội xuất sắc trong phong trào phụ nữ “Ba đảm đang." Phong trào “Ba đảm đang” do bà lãnh đạo đã trở thành cao trào cách mạng của phụ nữ, ghi dấu mốc son chói lọi trong lịch sử tổ chức và hoạt động của phong trào phụ nữ và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Nhiều tham luận trình bày tại hội thảo nêu rõ bà Nguyễn Thị Thập còn là một cán bộ lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược và có sáng kiến về công tác tổ chức cán bộ. Trong thời gian giữ trọng trách là Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội, bà Nguyễn Thị Thập đã đóng góp tiếng nói của Hội Phụ nữ - đại diện cho giới nữ vào việc sửa đổi Hiến pháp (1960) và xây dựng một số văn bản luật trong thời kỳ này. Điển hình là kiến nghị với Đảng và Nhà nước xây dựng Luật Hôn nhân và Gia đình cho phù hợp với đạo đức xã hội chủ nghĩa, thực hiện nam, nữ bình đẳng.

Các đại biểu dự hội thảo còn được lắng nghe, chia sẻ những kỷ niệm xúc động về bà Nguyễn Thị Thập với đồng nghiệp trong cuộc đời riêng cũng như trong công việc.

Bà Nguyễn Thị Thập tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Tốt (1908-1996), được sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, có truyền thống yêu nước và đấu tranh chống cường quyền áp bức, tại xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Suốt chín năm kháng chiến chống Pháp, bà Nguyễn Thị Thập được chỉ định là Bí thư Đảng đoàn phụ nữ Nam Bộ, là Hội trưởng Hội Phụ nữ Nam Bộ.

Sau khi tập kết ra miền Bắc, bà được bầu là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (1956-1974) và đảm nhận chức danh Chủ tịch suốt gần 20 năm. Năm 1995, bà được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu (1980). Bà được Đảng và Nhà nước giao nhiều chức vụ quan trọng như Bí thư Đảng đoàn phụ nữ kiêm Trưởng ban Phụ vận Trung ương Đảng. Liên tục từ khóa I đến khóa VI, bà được bầu vào Quốc hội và giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội từ khóa II đến khóa VI.

Với những đóng góp đặc biệt, bà được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, được phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Nhân dịp hội thảo, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã trao tặng năm mái ấm tình thương (20 triệu đồng/mái ấm) cho phụ nữ nghèo và trao 50 suất học bổng tiếp bước đến trường, mỗi suất 2 triệu đồng cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục