Cuộc đua thủy điện bất chấp cảnh báo thảm họa “tan rã” sông Mekong

Sông Mekong hiện đang phải “cõng” trên lưng hàng loạt công trình thủy điện ở thượng nguồn, khiến dòng sông Mẹ bị “chặt” thành nhiều khúc và dần mất khả năng “xả” nước về các nước hạ nguồn.
Cuộc đua thủy điện bất chấp cảnh báo thảm họa “tan rã” sông Mekong ảnh 1Một góc sông Mekong. (Ảnh: Phạm Kiên​-TTXVN)

Sông Mekong, một trong những dòng sông lớn nhất trên thế giới, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng chảy qua lãnh thổ 6 quốc gia là Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và đổ ra Biển Đông ở Việt Nam. Với chiều dài uốn lượn trên 4.800 km, dòng sông này được xem là “con rắn huyền thoại” của các quốc gia Đông Nam Á.

Tuy nhiên, hiện nay, sông Mekong đang phải “cõng” hàng loạt công trình thủy điện của các quốc gia thượng nguồn. Cuộc tranh đua năng lượng này đã khiến dòng sông Mẹ bị “chặt” thành nhiều khúc, và dần mất khả năng “xả” nước về các nước hạ du, trong đó chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Việt Nam.


Tham vọng từ thượng nguồn

Là quốc gia nằm ở thượng nguồn sông Mekong, Trung Quốc có diện tích lãnh thổ chiếm gần 1⁄2 chiều dài dòng sông và 1/5 diện tích lưu vực. Trên lãnh thổ Trung Quốc, sông Mekong có tên là Lang Thương (Lạng Cang), chảy qua vùng núi cao và có phần hiểm trở của tỉnh Vân Nam.

Không có những thung lũng/cánh đồng mầu mỡ ven sông, nhưng bù lại, điều kiện địa hình đồi núi và lòng sông dốc là điều kiện rất thuận lợi để Trung Quốc phát triển thủy điện. Trong đó, tiềm năng thủy điện Lang Thương chiếm gần một nửa tiềm năng thủy điện toàn lưu vực sông Mekong.

Ngoài lợi thế địa lý, Trung Quốc còn có tiềm lực kinh tế lớn so với các quốc gia khác trong lưu vực. Tuy nhiên, liên quan đến sử dụng các nguồn nước quốc tế, chính Trung Quốc lại tự mình tách ra khỏi sự ràng buộc của luật pháp quốc tế. Trung Quốc cũng đã và đang thực thi kế hoạch khai thác triệt để nguồn thủy năng của sông Mekong trên lãnh thổ của mình.

Tại các diễn đàn khu vực và của Ủy hội sông Mekong, Trung Quốc đã chối bỏ tất cả những tác động tiêu cực do phát triển thủy điện trên dòng chính Mekong trên lãnh thổ mình gây nên đối với với hạ lưu vực và luôn cho rằng các tác động do các hồ chứa ở Trung Quốc chỉ mang lại lợi ích cho các quốc gia hạ lưu vực.

Cho đến nay, Trung Quốc không chỉ xây dựng các công trình trên dòng chính Mekong thuộc lãnh thổ của mình, quốc gia này còn ký với Lào 3 biên bản ghi nhớ để đầu tư dưới hình thức BOT (xây dựng, vận hành và chuyển giao) - 3 công trình thủy điện trên dòng chính Mekong trên lãnh thổ Lào (Pak Lay, Pak Bang và Sanakham), và có thể có thêm công trình trên đất Campuchia (Sambor).

Theo báo cáo của Ủy Hội sông Mekong, hiện có 19 đập thủy điện đã và nằm trong kế hoạch xây dựng trên sông chính Mekong. Trong đó, 8 đập thủy điện ở Trung Quốc (với 5 đập đã đi vào hoạt động và 3 đập đang có kế hoạch xây dựng), 9 đập tại Lào và 2 đập trên địa phận Campuchia đang nằm trong dự án sẽ xây dựng. Đó là chưa kể, hàng chục thủy điện lớn nhỏ tại các nhánh con của sông Mekong.

Từ những phân tích trên có thể thấy, nếu kế hoạch xây dựng thủy điện trên dòng chính sông Mekong trên lãnh thổ Trung Quốc được thực hiện đầy đủ kết hợp với vai trò đầu tư nắm giữ và vận hành một số nhà máy thủy điện trên dòng chính ở hạ lưu vực Mekong, Trung Quốc sẽ đứng thế thượng phong trong kiểm soát nguồn tài nguyên quan trong của lưu vực sông này.

Cuộc đua thủy điện bất chấp cảnh báo thảm họa “tan rã” sông Mekong ảnh 2Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam bị khô hạn nghiêm trọng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Lào - Khát khao trở thành “bình ắc quy” của Đông Nam Á?

Khác với các quốc gia trong lưu vực, Lào là đất nước không có biển, kinh đô trước đây như Luang Prabang, cũng như những đô thị lớn và thủ đô Viên Chăn hiện nay đều nằm bên bờ sông Mekong, với nhiều vị trí tiềm năng cho phát triển thủy điện.

Với lợi thế ven sông, Lào cũng không giấu giếm khát khao trở thành nguồn cung cấp năng lượng cho Đông Nam Á. Tham vọng này đã được thể hiện trong bài phát biểu của Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Lào gần đây: “Nếu tất cả các nguồn năng lượng được khai thác, Lào sẽ trở thành bình ắc quy của Đông Nam Á, chúng tôi sẽ bán điện cho các nước láng giềng. Nước Lào có thể làm giàu.”

Và, cho đến nay, nước này đã có ít nhất 23 đập thủy điện hoạt động dọc sông Mekong. Đến năm 2020, tờ Economist cho biết Lào hy vọng nâng con số này lên đến 93. Phần lớn điện tạo ra sẽ được bán cho Thái Lan. Chính phủ Lào cũng kỳ vọng thủy điện sẽ trở thành một trong những nguồn thu nhập lớn của họ đến năm 2025.

Để đạt được những mục tiêu này, Lào quyết tâm thực hiện 2 dự án đập lớn, bất chấp những ngăn cản của các nước và các tổ chức môi trường. Đó là các công trình đập Xayaburi (công suất 1.285 MW) và Don Sahong (công suất 260 MW). Đập Xayaburi do tập đoàn CH. Karnchang của Thái Lan xây dựng, trong khi đơn vị thi công đập Don Sahong là Mega First Berhad của Malaysia.

Theo Thỏa thuận Mekong năm 1995 đã được Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan thống nhất, các quốc gia sẽ tham vấn với những bên còn lại trước khi tiến hành bất kỳ dự án nào có thể ảnh hưởng lớn đến con sông. Sau đó, các nước thành lập Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mekong để giám sát quá trình này.

Tuy nhiên, thẩm quyền của ủy ban bị lung lay bởi các hành động đơn phương của Lào khi quyết định xây đập Xayaburi và sắp tới sẽ là đập Don Sahong. Nằm tại thung lũng hiểm trở phía Bắc Lào, đập Xayaburi là đập hiện đại nhất trong số 11 con đập lớn trên dòng chính tại hạ lưu sông Mekong.

Theo nhận định của Tổ chức Sông ngòi Quốc tế, sau khi hoàn tất xây dựng, đập thủy điện sẽ gây ra những thay đổi về mặt sinh thái vĩnh viễn không thể đảo ngược cho sông Mekong, buộc 2.100 người phải tái định cư và ảnh hưởng trực tiếp tới hơn 200.000 người. Ngoài ra, các con đập lớn cũng sẽ đẩy những loài sinh vật đang bị đe dọa nghiêm trọng, như cá trê lớn ở sông Mekong đến "bờ vực tuyệt chủng."

Cảnh báo dự án đập của Thái Lan và Campuchia

Thái Lan với nền kinh tế phát triển, tài nguyên trong nước đã được khai thác mạnh mẽ, gây ra những tác động tiêu cực về môi trường, trong khi nhu cầu năng lượng của quốc gia vẫn gia tăng. Do đó, tiềm năng thủy điện trên sông Mekong trên lãnh thổ Lào là đích nhắm đến của các nhà đầu tư và phát triển năng lượng Thái Lan.

Theo nghiên cứu của Ủy ban sông Mekong, hiện nay, dọc biên giới Thái - Lào có hai con đập lớn là Pak Chom (công suất 1.079 MW) và Ban Koum (công suất 2.230 MW). Hai dự án này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 588.000 người tại tỉnh Loei và hơn 413.000 dân tại tỉnh Ubon Ratchathani tại Thái Lan.

Ngoài ra, dự án đập Pak Chom có thể khiến hơn 73 km2 vùng đất giữa Thái Lan và Lào chìm trong nước. Trong khi chi phí xây đập ước tính khoảng 1,77 triệu USD, thiệt hại môi trường và xã hội có thể đến 20 triệu USD.

Cùng tham vọng “làm giàu” từ năng lượng, Campuchia với lợi thế nguồn nước từ dòng Tôn Lê Sáp và Biển Hồ - một trong những Hồ tự nhiên lớn nhất thế giới, sông Mekong chảy qua lãnh thổ Campuchia cũng giúp quốc gia này có một số vị trí thuận lợi để phát triển thủy điện.

Theo đó, Campuchia đang có kế hoạch xây dựng hai đập thủy điện là đập Sambor thuộc huyện Sambor, tỉnh Kratie, và đập Stung Treng thuộc tỉnh Stung Treng ở đông bắc giáp với phía Nam Lào. Tổng công suất của hai dự án khoảng 3.600 MW.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Ủy hội sông Mekong, nếu Campuchia xây đập thì hàng chục nghìn người dân sẽ bị mất nhà và buộc phải tái định cư ở địa phương khác. Cụ thể, công trình đập Stung Treng sẽ khiến hơn 2.000 hộ gia đình, bao gồm hơn 10.000 dân, ở 21 làng trong vùng phải di dời.

Bên cạnh đó, vị trí của đập Stung Treng cũng nằm trong vùng bảo tồn Ramsar nên các nhà khoa học lo ngại quá trình xây đập chắc chắn ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái ở đây. Do đó, bài toán đánh đổi đang được Campuchia cân nhắc hết sức thận trọng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục