Cuộc gặp giữa Tổng thống Nga-Thổ: Cơ hội cho sự khởi đầu mới

Cuộc gặp được giới phân tích đánh giá mang tính chất lịch sử bởi nó có khả năng quyết định không chỉ “số phận” mối quan hệ giữa Nga-Thổ Nhĩ Kỳ mà còn tác động mạnh mẽ tới tình hình khu vực.
Cuộc gặp giữa Tổng thống Nga-Thổ: Cơ hội cho sự khởi đầu mới ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan. (Nguồn: Sputnik)

Cuộc gặp dự kiến vào ngày 9/8 giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan tại cố đô Sanit Peterburg của Nga được giới phân tích đánh giá mang tính chất lịch sử bởi nó có khả năng quyết định không chỉ “số phận” mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ mà còn tác động mạnh mẽ tới tình hình khu vực cũng như tương lai quan hệ “tay ba” Nga-Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây.

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh quan hệ nhiều duyên nợ giữa Nga-Thổ Nhĩ Kỳ vừa trải qua giai đoạn căng thẳng nhất trong suốt hai thập kỷ qua, bắt nguồn từ vụ chiến đấu cơ Su-24 của Nga đang thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố gần biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ hồi mùa Thu năm ngoái.

Nga coi đây là hành động “đâm sau lưng” của những kẻ “đồng lõa với khủng bố," đồng thời yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải đưa ra lời xin lời. Những tranh cãi, căng thẳng cùng các biện pháp trừng phạt và hành động "ăn miếng trả miếng" sau đó giữa hai bên không chỉ làm "tê liệt" quan hệ hợp tác song phương mà còn đẩy Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đứng bên bờ vực chiến tranh. Tuy nhiên, căng thẳng đã kịp thời được tháo ngòi khi ông Erdogan "xuống thang" xin lỗi Nga hồi cuối tháng Sáu vừa qua, mở ra cơ hội nối lại quan hệ song phương.

Có thể khẳng định rằng việc quay trở lại chu kỳ hợp tác và phát triển đáp ứng lợi ích quốc gia của cả hai bên. Đối với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác kinh tế-thương mại chủ chốt, là khách hàng tiêu thụ năng lượng quan trọng hàng đầu của Nga. Không những thế, Thổ Nhĩ Kỳ đang có cơ hội trở thành cầu nối trung chuyển khí đốt của Nga sang thị trường châu Âu nếu dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" được thực hiện.

Không phải ngẫu nhiên mà trước thời điểm xảy ra khủng hoảng, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 100 tỷ USD. Việc ngừng hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ khiến Nga bị thiệt hại đáng kể trong bối cảnh Nga đang phải hứng chịu sức ép kinh tế khá nặng nề do bị phương Tây bao vây, cô lập, cũng như giá dầu mỏ lao dốc làm "bốc hơi" của Nga khoảng 150 tỷ USD mỗi năm.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã được nếm trải "trái đắng” trong thời gian bị Nga áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế. Theo thống kê, chỉ riêng ngành du lịch, vốn đóng góp 4,5% GDP của Thổ Nhĩ Kỳ, đã chịu tổn thất nghiêm trọng khi mỗi năm có tới gần 5 triệu lượt du khách Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ, chiếm 12% tổng du khách nước ngoài của nước này.

Do lệnh cấm vận của Nga, tăng trưởng kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến giảm 0,3% trong năm 2016, với thiệt hại kinh tế lên tới 9 tỷ USD. Tình trạng bất ổn trong nước, liên tiếp các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ cùng quan hệ "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các đối tác phương Tây đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ nhận ra sai lầm trong chính sách của mình, và động thái quay lại khôi phục quan hệ với Nga là bước đi hợp logic.

Việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan khẩn trương xúc tiến cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin sau vụ đảo chính bất thành hôm 15/7 ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho thấy Ankara đang muốn tìm kiếm sự ủng hộ từ Nga, trong bối cảnh thời gian qua Thổ Nhĩ Kỳ liên tục chịu sự chỉ trích của phương Tây do các hoạt động truy quét và trấn áp hậu đảo chính.

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) phần nào bị sứt mẻ sau vụ đảo chính bất thành vừa qua.

Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng các đồng minh phương Tây không chia sẻ và ủng hộ mình sau cuộc đảo chính, thậm chí còn cáo buộc một số nước phương Tây "hậu thuẫn" các phần tử đảo chính, trong khi Mỹ và EU bày tỏ lo ngại trước ý định của Tổng thống Erdogan khôi phục án tử hình tại Thổ Nhĩ Kỳ nhằm trừng phạt những kẻ tham gia cuộc đảo chính.

Quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục căng thẳng khi Mỹ chưa thực hiện yêu cầu dẫn độ giáo sỹ Hồi giáo Fethullah Gulen, người hiện đang sống lưu vong tại Mỹ và bị Ankara cáo buộc đứng đằng sau vụ đảo chính bất thành vừa qua, dù Ankara cảnh báo điều đó sẽ gây thiệt hại đến mức không thể khắc phục cho mối quan hệ song phương Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, EU cũng quyết định "đóng băng" việc áp dụng quy chế miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào EU theo thỏa thuận về người di cư giữa hai bên, bất chấp Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo sẽ ngừng thực hiện thỏa thuận hỗ trợ EU ngăn chặn dòng người di cư. Nhiều nước EU còn lên tiếng đòi chấm dứt đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 8/8 trước thềm cuộc gặp Tổng thống Nga, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan thẳng thừng tuyên bố EU đã không thực hiện những lời hứa với Thổ Nhĩ Kỳ và "đánh lừa" Ankara suốt 53 năm qua.

Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Mỹ và EU đã áp dụng "tiêu chuẩn kép" khi đánh giá về những sự kiện xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong bối cảnh đó, không có gì lạ khi Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy các biện pháp nhằm "xích lại gần" Nga, dù động thái trên dường như khiến phương Tây không hài lòng.

Chuyến công du tới Nga và gặp Tổng thống Putin sẽ là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kể từ sau cuộc đảo chính bất thành hôm 15/7 vừa qua, khi tình hình chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang rất phức tạp. Điều này cho thấy phía Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt quan tâm và mong muốn khôi phục hợp tác với Nga.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng cuộc gặp giữa ông và Tổng thống Nga sẽ mở ra trang mới trong quan hệ hai nước. Dù thừa nhận hai bên còn nhiều việc phải làm để khôi phục quan hệ như trước, song nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định chuyến công du tới Nga của ông lần này là "chuyến thăm lịch sử," và cuộc gặp tại Saint Peterburg sẽ là một "sự khởi đầu mới" cho quan hệ hai nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục