Cuối tháng 12, sửa chữa xong cầu Thăng Long

Hiện làn xe hướng Hà Nội-Đông Anh đã được đưa vào hoạt động và đến cuối tháng 12, dự án sửa chữa cầu Thăng Long sẽ hoàn tất toàn bộ.
Ban quản lý dự án 2, đơn vị được giao làm chủ đầu tư Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long (giai đoạn 2), cho biết cuối tháng 12 này sẽ hoàn thành việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long.

Như vậy, chỉ sau chưa đầy 2 tháng rưỡi khẩn trương thi công, dự án sửa chữa cây cầu lớn và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Hà Nội sẽ hoàn tất và cầu Thăng Long đi vào hoạt động bình thường trở lại...

Theo ông Nguyễn Năng Thể, Phó Tổng giám đốc Ban quản lý dự án 2, cho đến thời điểm hiện nay, làn xe phía bên phải theo hướng từ trung tâm Hà Nội sang Đông Anh đã hoàn thành, các phương tiện tham gia giao thông qua cầu đã chuyển sang lưu thông ở làn đường này.

Làn đường bên trái cũng đang được các nhà thầu khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công. Với tiến độ như hiện nay, đến 31/12, các đơn vị thi công sẽ hoàn tất và đưa cầu Thăng Long trở lại hoạt động bình thường.

Cũng theo ông Thể, dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long ban đầu dự tính phải kéo dài trong 5 tháng. Sau đó, các nhà thầu lập lại tiến độ và rút ngắn xuống còn 3 tháng. Tuy nhiên, do tính chất quan trọng của cầu Thăng Long, đặc biệt trong những tháng cuối năm, mật độ phương tiện qua cầu rất lớn nên các nhà thầu phải thi công gấp rút và thời gian hoàn thành có thể giảm xuống chỉ trong khoảng hai tháng rưỡi.

Ông Trần Đức Tiến, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại tư vấn và xây dựng Vĩnh Hưng, một trong hai nhà thầu thi công dự án khẳng định việc hoàn thành dự án vào cuối tháng 12 này là hết sức khả thi. Vấn đề quan tâm nhất hiện nay và sau này là công tác bảo hành. Mặc dù đối với một dự án nhóm B, chỉ bảo hành trong vòng 1- 2 năm, nhưng nhà thầu cung cấp thiết bị và các nhà thầu thi công cam kết bảo hành trong vòng 10 năm và định kỳ 5 năm bảo dưỡng một lần.

Cầu Thăng Long là cây cầu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Thủ đô Hà Nội. Cầu được xây dựng từ năm 1974 với sự giúp đỡ của các chuyên gia Trung Quốc và Liên Xô và được thông xe kỹ thuật vào cuối năm 1983, đầu năm 1984.

Qua một thời gian dài sử dụng, mặt cầu đã bị hư hỏng nặng. Năm 2001, Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép sửa chữa. Do không xử lý triệt để bản thép nên đến nay mặt cầu lại hỏng với hiện tượng chủ yếu là nứt dọc.

Nếu kéo dài tình trạng này, nước sẽ thẩm thấu và gây hư hỏng lớp bản thép, chất lượng và tuổi thọ cầu Thăng Long sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục