Cựu Đại sứ Thụy Điển chỉ trích cuộc tập trận của các nước Bắc Âu

Cựu Đại sứ Thụy Điển tại Nga Sven Hirdman chỉ trích cuộc tập trận "Arctic Challenge Exercise 2015" với sự tham gia của không quân Thụy Điển, Phần Lan và Thụy Sĩ, cùng một số nước NATO.
Cựu Đại sứ Thụy Điển chỉ trích cuộc tập trận của các nước Bắc Âu ảnh 1Máy bay chiến đấu của không quân Na Uy tham gia tập trận. (Nguồn: Không quân Na Uy)

Cựu Đại sứ Thụy Điển tại Nga Sven Hirdman ngày 26/5 đã chỉ trích cuộc tập trận quy mô lớn mang tên "Arctic Challenge Exercise 2015" bắt đầu từ ngày 25/5, với sự tham gia của lực lượng không quân Thụy Điển, Phần Lan và Thụy Sĩ, cùng một số quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gồm Mỹ, Anh, Na Uy, Hà Lan và Pháp.

Phát biểu trước báo giới, nhà ngoại giao Thụy Điển cho rằng thay vì cùng NATO "chơi trò chiến tranh," Chính phủ Thụy Điển nên có các động thái giúp giảm tình hình căng thẳng giữa Nga và phương Tây.

Đề cập tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine, ông Hirdman cho rằng cuộc xung đột hiện nay ở quốc gia Đông Âu này có nguồn gốc từ sự sụp đổ của Liên bang Xôviết và không hề có nguyên nhân khách quan nào để Nga phải xem xét các kế hoạch quân sự chống lại Liên minh châu Âu (EU) hay NATO.

Cuộc tập trận "Arctic Challenge Exercise" diễn ra chủ yếu ở ba thành phố gồm Lulea (Thụy Điển), Budyo (Na Uy) và Rovaniemi (Phần Lan).

Tham gia cuộc tập trận kéo dài đến ngày 5/6 này có tới 3.600 binh sỹ và 115 máy bay đến từ chín quốc gia. Theo kịch bản, mục tiêu của cuộc tập trận nhằm hoàn thiện kỹ năng trong chiến dịch gìn giữ hòa bình do Liên hợp quốc phát động.

Các máy bay tiêm kích JAS-39 Gripen của Thụy Điển, F-18 của Phần Lan và F-16 của Na Uy sẽ diễn tập tuần tra trên không và tấn công vào các máy bay của kẻ thù giả định. Ước tính, số lượng máy bay tham gia diễn tập có thể lên đến 100 chiếc.

Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cho rằng cuộc tập trận này được xem là một bước đi nhằm củng cố khả năng quốc phòng của các nước tham gia. Tuy nhiên, người dân Thụy Điển lại không hoàn toàn ủng hộ việc tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn với NATO tại miền Bắc nước này.

Đảng Bảo vệ môi trường và đảng Cánh tả cho rằng chính phủ đang từng bước xích lại gần NATO mà không hỏi ý kiến người dân khi tiến hành tập trận chung với liên minh quân sự này.

Na Uy, Đan Mạch và Iceland là thành viên NATO trong khi Phần Lan và Thụy Điển thuộc nhóm các nước không liên kết. Tuy nhiên, Phần Lan và Thụy Điển thời gian qua đã tăng cường hợp tác với NATO, kể cả tham gia các cuộc tập trận chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục