"Cứu" doanh nghiệp FDI

"Doanh nghiệp FDI chậm đăng ký, lỗi từ cả hai phía"

Đã qua thời hạn cuối cùng thực hiện đăng ký lại theo quy định của điều 170 Luật Doanh nghiệp, nhưng hiện còn tới 3.000 doanh nghiệp FDI, với tổng số vốn đăng ký 18,5 tỷ USD và số lao động sử dụng 446.000 người, chưa thực hiện đăng ký lại, đồng nghĩa với việc phải xem xét chấm dứt hoạt động.

Bởi vậy, việc sửa đổi bổ sung điều luật này được cho là cần thiết và cấp bách, tránh ảnh hưởng tới nền kinh tế nói chung, và nhất là tác động tới việc làm của hàng trăm ngàn lao động.
Sáng ngày 28/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật doanh nghiệp.

Bên lề Quốc hội, trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho biết hiện còn khoảng 3.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chưa thực hiện việc đăng ký lại giấy phép.

Chính vì vậy, việc sửa đổi bổ sung Điều 170 là cần thiết và cấp bách vì nếu chiểu theo luật, số doanh nghiệp này đang phải xem xét chấm dứt hoạt động, và như vậy sẽ ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế và việc làm của hàng ngàn lao động.

- Theo ông, tại sao thời điểm này chúng ta lại đặt ra vấn đề sửa đổi điều 170 của Luật Doanh nghiệp?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Luật Doanh nghiệp được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/11/2005 và có hiệu lực từ ngày 01/07/2006 quy định thống nhất về tổ chức quản lý và hoạt động giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

Khoản 2, Điều 170 của Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang tổ chức quản lý, hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được quyền chọn đăng ký lại để tổ chức quản lý, hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp trong thời hạn 2 năm kể từ ngày 01/07/2006 hoặc không đăng ký lại. Trong trường hợp không đăng ký lại thì doanh nghiệp chỉ được quyền hoạt động kinh doanh trong phạm vi ngành nghề và thời hạn ghi trong Giấy phép đầu tư.

Tuy nhiên, tính đến ngày 1/7/2011 là thời hạn cuối cùng thực hiện đăng ký lại, trong số 6.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì có 2.916 doanh nghiệp đã đăng ký lại theo quy định của điểm a, khoản 2; còn khoảng 3.000 doanh nghiệp chưa đăng ký lại theo quy định của điểm b, khoản 2. Các doanh nghiệp này có tổng số vốn đăng ký là 18,5 tỷ USD, số lao động sử dụng 446.000 người.

Đến nay, có một số doanh nghiệp đã hết thời hạn hoạt động quy định tại Giấy phép đầu tư nhưng muốn đăng ký lại để tiếp tục hoạt động; một số doanh nghiệp còn thời hạn hoạt động được ghi trong Giấy phép đầu tư nhưng muốn được bổ sung, mở rộng ngành nghề kinh doanh. Trong số này có một số doanh nghiệp đã đầu tư vào Việt Nam trong những năm đầu đổi mới, có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội như tạo việc làm, nộp ngân sách… và có nhu cầu được tiếp tục hoạt động lâu dài tại Việt Nam.

- Theo ông, đâu là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp này chậm chễ trong việc đăng ký lại?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp chậm chễ cũng cả từ hai phía, phía cơ quan thực hiện chính sách pháp luật và cả về phía doanh nghiệp.

Đứng về phía công tác quản lý thì công tác quản lý doanh nghiệp của chúng ta “lỏng chặt” không chính xác nên mới dẫn đến tình trạng này. Còn về phía các doanh nghiệp là do một số doanh nghiệp muốn tiếp tục duy trì mô hình hoạt động cũng như phương thức quản lý đã tồn tại ổn định trong nhiều năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này không lường trước được việc không được phép gia hạn hoạt động hoặc bổ sung ngành nghề kinh doanh nếu không đăng ký lại trong thời hạn quy định.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp không đạt được nhất trí giữa các bên liên doanh trong việc thực hiện thủ tục đăng ký lại vì theo Điều lệ doanh nghiệp, việc gia hạn hoặc tổ chức lại doanh nghiệp phải thực hiện theo nguyên tắc nhất trí phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư nước ngoài trước đây.

Vấn đề ở đây là cái yếu của cơ quan quản lý doanh nghiệp đã không tổ chức nhắc nhở doanh nghiệp, những vấn đề gì họ chưa hiểu rõ thì nên trao đổi để cho các doanh nhân, doanh nghiệp hiểu hơn vể các chính sách, nhất là các chính sách mới. Đây là tư duy rơi rớt từ thời bao cấp, cứ đợi doanh nghiệp lên xin thì mới cấp phép.

Ở đây rõ ràng là do phương pháp làm việc của chúng ta chưa thay đổi kịp với nền kinh tế thị trường, chúng ta chưa khẳng định được rõ là các cơ quan quản lý Nhà nước về mặt bản chất là cơ quan dịch vụ công, chúng ta chưa chuyển được tư duy đấy mà vẫn giữ lại cơ quan quản lý Nhà nước thì mới xảy ra tình trạng đó.

- Việc không thực hiện thủ tục đăng ký lại của doanh nghiệp FDI có làm phát sinh những khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp cũng như công tác quản lý nhà nước không, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Có chứ, những doanh nghiệp do không lựa chọn thực hiện thủ tục đăng ký lại trong thời hạn quy định nên các doanh nghiệp này đang phải xem xét chấm dứt hoạt động. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách phải xem xét duy trì hoạt động của các doanh nghiệp này nhằm tạo môi trường ổn định cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm cho hàng vạn lao động.
 
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 170, những doanh nghiệp không thực hiện thủ tục đăng ký lại sẽ không được phép điều chỉnh, bổ sung ngành nghề kinh doanh khác với ngành nghề đã được quy định tại Giấy phép đầu tư. Quy định này không tạo điều kiện để các doanh nghiệp đang hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam tiếp tục thực hiện dự án đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng trong các lĩnh vực và địa bàn khuyến khích đầu tư.

Hiện nay, một số doanh nghiệp phải tái cơ cấu hoạt động nhằm giải quyết khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhưng do không đăng ký lại nên không thể điều chỉnh ngành nghề kinh doanh để thực hiện mục tiêu nêu trên.

- Vậy, theo ông, việc sửa đổi Điều 170 này có giải quyết được triệt để các vấn đề đang còn tồn tại hiện nay không?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Không, chẳng có một luật nào giải quyết được triệt để các vấn đề trong cuộc sống cả mà cuộc sống luôn luôn vận động. Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay thì mình cũng phải tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển ở Việt Nam nhưng không phải chúng ta giữ họ lại ở lại bằng mọi giá, nếu họ không chịu thay đổi công nghệ để gây tác động đến môi trường, họ có thái độ đối xử với người lao động Việt Nam không tốt ta sẵn sàng để họ đóng cửa.

Còn ở đây, chúng ta đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI đầu tư ở Việt Nam là để các bên cùng có lợi chứ không phải chỉ riêng mỗi Việt Nam có lợi.

- Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của các doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Không cần phải đánh giá nhiều, chỉ cần nhìn chỉ số xuất khẩu, chỉ tiêu tăng trưởng của FDI trong những năm vừa qua là chúng ta có thể thấy được.

Nếu như trước năm 2001, xuất khẩu của khu vực này chỉ đạt 45,2% tổng kim ngạch, kể cả dầu thô thì từ năm 2003, xuất khẩu của khu vực này bắt đầu vượt khu vực trong nước và dần trở thành nhân tố chính thúc đẩy xuất khẩu, chiếm khoảng 64% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012.

Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt trên 32 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm 65,56% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Bên cạnh đó, khối doanh nghiệp này đã tạo nhiều công ăn việc làm ổn định cho người lao động. Như vậy việc thu hút FDI của Việt Nam là đúng hướng.

Tuy nhiên, ngoài ra, đâu đó vẫn có những dự án đăng ký vốn đầu tư nhiều nhưng khi thực hiện giải ngân lại không như cam kết ban đầu, âu cũng là chuyện bình thường của xã hội thôi.

- Xin cảm ơn ông!/.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục