Cựu Phó Đô đốc Nhật Bản lo ngại hành vi bồi đắp đảo của Trung Quốc

Cựu Phó Đô đốc Nhật Bản cho rằng nếu cộng đồng quốc tế không lên tiếng mạnh mẽ, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ mở rộng căn cứ quân sự tại bãi Hoàng Nham.
Cựu Phó Đô đốc Nhật Bản lo ngại hành vi bồi đắp đảo của Trung Quốc ảnh 1Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Tri Phương/Vietnam+)

Trong hai ngày 22-23/7, Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Quốc tế thuộc Đại học Meiji (Nhật Bản) đã chủ trì tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Thúc đẩy hợp tác quốc tế vì hòa bình và ổn định tại vùng biển châu Á”, trong đó tập trung bàn về tranh chấp và đề ra các giải pháp nhằm hạ nhiệt căng thẳng tại Biển Đông.

Trong ngày làm việc thứ nhất, hội thảo đã thu hút gần 200 lượt thính giả, trong đó có nhiều nhân viên các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Tokyo, đại diện các viện nghiên cứu, học giả, và các nhà bình luận chính trị...

Trong bài phát biểu với tư cách là diễn giả chính, Cựu Phó Đô đốc, Tư lệnh hạm đội lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản Koda Yoji phân tích nguyên nhân, ý đồ và quá trình xây dựng đảo quy mô lớn tại Biển Đông của Trung Quốc.

Theo ông Koda Yoji, không dừng lại ở việc triển khai sức mạnh quân sự ở khu vực Bắc và trung Biển Đông với căn cứ quân sự ở Tam Á và đảo Phú Lâm, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ biến đá Chữ Thập thành một cơ sở chủ chốt tại khu vực Nam Biển Đông, có khả năng tiếp nhận các máy bay và tàu biển cỡ lớn. Nếu ý đồ này thành hiện thực, Bắc Kinh sẽ biến khả năng kiểm soát thực tế từ “điểm” sang “tuyến”, kéo dài 900km từ đảo Phú Lâm tới quần đảo Trường Sa, giành ưu thế rõ nét trong cán cân quân sự tại khu vực.

Cựu Phó Đô đốc Nhật Bản cho rằng nếu cộng đồng quốc tế không lên tiếng mạnh mẽ, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ mở rộng căn cứ quân sự tại bãi cạn Scarborough, hình thành khu vực tam giác Phú Lâm-Chữ Thập-Scarborough nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.

Về yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc, cựu quan chức hàng đầu của hải quân Nhật Bản cho rằng đây là chủ trương "không đếm xỉa" tới luật pháp quốc tế và sẽ làm đảo lộn trật tự hàng hải quốc tế. Ông Koda Yojji cũng nhấn mạnh việc Trung Quốc đẩy mạnh thực hiện thay đổi hiện trạng bằng vũ lực sẽ dẫn tới mất ổn định nghiêm trọng tại khu vực, đồng thời kêu gọi dư luận cảnh giác với ý đồ của Trung Quốc trong việc quản lý, hạn chế tự do đi lại ở Biển Đông.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, cựu Phó Đô đốc Koda Yoji cho rằng mục đích đầu tiên của Trung Quốc là đẩy Mỹ ra khỏi khu vực Biển Đông. Biển Đông là chiến trường chính để Trung Quốc tập trung cạnh tranh với Mỹ vì Bắc Kinh chưa đủ khả năng cạnh tranh với Washington tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Từ những năm 1990, Trung Quốc đã tập trung sức mạnh để chuẩn bị cho mục tiêu kiểm soát khu vực Biển Đông. Trung Quốc đưa ra yêu sách đường 9 đoạn, đòi chủ quyền đối với rất nhiều đảo, đồng thời tại những điểm không có đảo, Trung Quốc xây dựng thành đảo để tự do sử dụng.

Trung Quốc trên thực tế đã kiểm soát quần đảo Hoàng Sa từ năm 1974 sau khi đánh bại lực lượng miền Nam Việt Nam và trên thực tế là Trung Quốc đang kiểm soát quần đảo này cũng như khu vực phía Bắc Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa có khả năng kiểm soát phía Nam Biển Đông do chưa quản lý được đảo nào. Tất cả các đảo lớn đều do các nước ASEAN chiếm giữ. Việc lấp bãi đá thành đảo là nhằm mục đích xây dựng căn cứ quân sự, giành ưu thế quân sự trước các nước tuyên bố chủ quyền ở phía Nam Biển Đông.

Theo ông Koda Yoji, Biển Đông cách khá xa Nhật Bản nên nhiều người Nhật quan tâm diễn biến tại Biển Hoa Đông hơn. Vấn đề Biển Đông rõ ràng không liên quan tới vấn đề lãnh thổ của Nhật Bản.

Vấn đề lớn nhất tại Biển Đông là Trung Quốc không đếm xỉa tới luật pháp quốc tế, vi phạm các quy tắc của Liên hợp quốc (LHQ), làm đảo lộn trật tự và Nhật Bản không chấp nhận việc đó. Thứ hai là vấn đề kinh tế, Biển Đông là tuyến vận tải biển quan trọng nên nếu Trung Quốc kiểm soát sẽ ảnh hưởng tới Nhật Bản. Thứ ba, Nhật là đồng minh của Mỹ bởi vậy Tokyo có trách nhiệm hỗ trợ Mỹ trong các hoạt động tại Biển Đông. Các đạo luật an ninh mới được Hạ viện thông qua sẽ mở đường cho Nhật Bản hỗ trợ hoạt động của Mỹ tại Biển Đông hiệu quả hơn hiện nay, đóng góp vào hòa bình và ổn định tại Biển Đông.

Cựu quan chức hàng đầu của Lực lượng Phòng vệ Trên biển Nhật Bản nhấn mạnh chủ trương đường 9 đoạn của Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở. Đây là điều không thể chấp nhận được. Cho tới nay, chủ trương đường 9 đoạn chưa từng được đưa ra thảo luận chính thức giữa các quốc gia. Chủ trương này không hề có cơ sở dựa trên các điều ước của LHQ, Trung Quốc cũng không có chứng cứ lịch sử. Chính phủ Nhật Bản và cá nhân ông Koda Yoji chưa từng có quan điểm chấp nhận chủ trương đường 9 đoạn. 

Dự báo về tình hình Biển Đông thời gian tới, ông Koda Yoji cho rằng rất khó dự đoán. Năm ngoái, Trung Quốc đưa giàn khoan và năm nay họ tiến hành xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông. Trung Quốc phải dừng cả hai hành động này trước sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam và áp lực từ dư luận quốc tế. Nếu cộng đồng quốc tế quan tâm chú ý tới vấn đề Biển Đông và lên tiếng mạnh mẽ những sai phạm sẽ khiến Trung Quốc dừng bước, ngược lại, Trung Quốc sẽ tiếp tục hành động xây dựng các công trình trên đảo nhân tạo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục