Cứu sống trẻ 3 tháng tuổi bị viêm phổi nặng do bệnh sởi

Các bác sỹ của bệnh viện Bạch Mai vừa cứu sống một trẻ 3 tháng tuổi bị biến chứng viêm phổi nặng do mắc sởi.
Cứu sống trẻ 3 tháng tuổi bị viêm phổi nặng do bệnh sởi ảnh 1Bé Đặng Trúc Chi đã khỏi bệnh sởi và trong vòng tay của người thân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chiều 20/3, phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các bác sỹ của bệnh viện vừa cứu sống một trẻ 3 tháng tuổi bị biến chứng viêm phổi nặng do mắc sởi.

Bệnh nhân là bé gái Đặng Trúc Chi, 3 tháng tuổi, Thanh Trì, Hà Nội, vào viện đêm 19/2, với biểu hiện sốt cao, ho nhiều, chảy nước mắt mũi, nổi ban đỏ.

Trẻ vào viện với ban đỏ ngoài da, nhưng ngày đầu tiên đã có nhịp thở nhanh 45 lần/phút. Bệnh nhân uống kháng sinh, hạ sốt, nhưng cứ uống vào là nôn, các bác sỹ phải đổi kháng sinh đường tiêm. Bệnh diễn biến nhanh, 4 ngày đầu sốt cao liên tục 39 độ, oxy trong máu giảm xuống.

Mỗi ngày bác sỹ chụp một phim cho bé để xem diễn biến biến chứng phổi, vì tổn thương diễn ra nhanh. Ngoài ra, một số xét nghiệm cho thấy bệnh diễn biến ở trẻ có một số điểm rất không bình thường như đạm trong máu giảm, hồng cầu giảm tiểu cầu giảm, virus sởi tấn công nhanh vào phổi.

Theo phó giáo sư Dũng, các xét nghiệm về bội nhiễm vi trùng của bệnh nhân này không có. Điều đó cho thấy, những biến chứng do vi trùng xâm nhập vào theo kiểu cổ điển của sởi là không xảy ra. Bởi bình thường khi bệnh nhân bị sởi, biến chứng là thường khi sởi bay vi trùng mới xâm nhập. Nhưng những bệnh nhân này, sởi tấn công ngay vào sởi khi mới mọc ban.

Các bác sỹ điều trị đã đặt nội khí quản, cho bé thở máy và phải điều chỉnh để phù hợp, bơm lượng vừa phải để bệnh nhi chịu được, khi trẻ tự thở được thì các bác sỹ để trẻ tự thở. Như là một nghệ thuật, các bác sỹ đã phải điều chỉnh hàng giờ dựa vào nồng độ oxy trong máu của bệnh nhân.

Bé Chi là bệnh nhi mắc sởi phải sử dụng máy hỗ trợ thở lâu nhất. Sau 8 ngày đặt ống nội khí quản, các bác sỹ điều trị đã quyết định rút ống để bé có thể tập tự thở. Tuy nhiên ngay sau đó bệnh nhân lại xuất hiện viêm thanh quản, có biểu hiện thở rít, nhịp tim tăng, buộc các bác sỹ phải tiếp tục hỗ trợ bằng máy thở trở lại.

Qua 16 ngày điều trị (11 ngày thở máy) các bác sỹ tiến hành cai máy thở lần 2 cho bé. Sau khi bỏ thở máy, các bác sỹ làm xét nghiệm kháng thể trong máu, các chỉ số của bé đã trở lại gần như bình thường.

Phó giáo sư Dũng cho hay, đây là bệnh nhi nặng thứ 2 được khoa cứu sống và đã phải trải qua rất nhiều khó khăn. Qua những ca bệnh nhi được cứu sống này mở ra hướng mới trong điều trị. Đó là chiến lược điều trị phải ngay từ đầu, chống suy hô hấp thì việc tiêm truyền kháng thể dịch thể, vitamin A rất là quan trọng, kháng sinh lại chỉ là phòng chống bội nhiễm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục