Cựu thủ tướng Nhật giải trình về thảm họa hạt nhân

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan sẽ giải trình trước một ủy ban của quốc hội về nỗ lực ban đầu hạn chế thảm họa hạt nhân Fukushima.
Ngày 28/5, cựu Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan sẽ ra giải trình trước một ủy ban của quốc hội về thảm họa hạt nhân Fukushima, tập trung vào những nỗ lực ban đầu trong việc hạn chế khủng hoảng.

Ông Kan bị chỉ trích vì đã gây mất tập trung khi ông tới thăm nhà máy hạt nhân vào ngày 12/3/2011, một ngày sau khi nhà máy này bị trận sóng thần quét qua, vào lúc các nhân viên cứu hộ đang phải vật lộn với tình trạng tan chảy của các lò phản ứng.

Tuy nhiên ông Kan cũng được ca ngợi vì đã có hành động nhanh chóng sau thảm họa.

Vào tháng Hai, một ủy ban quốc hội điều tra sự cố nói rằng những nỗ lực tích cực của cựu thủ tướng đã giúp cải thiện đáng kể cuộc khủng hoảng tồi tệ.

Ủy ban này nói tình hình các bờ biển bị sóng thần tràn qua tại Nhật Bản là rất thảm hại, cơ quan vận hành nhà máy Fukushima, Tokyo Electric Power (TEPCO) khi đó đã muốn bỏ nhà máy và các công nhân ở đây. Song ông Kan ra lệnh thống nhất là phải giữ người lại hiện trường.

Các chuyên gia cho rằng nếu thủ tướng không cương quyết, Fukushima đã có thể diễn biến vượt ngoài tầm kiểm soát với những hậu quả khôn lường.

Hàng chục nghìn người đã được sơ tán khỏi khu vực xung quanh nhà máy sau khi có rò rỉ phóng xạ. Nhiều người vẫn chưa thể trở về nhà và một số vùng ở đây dự kiến sẽ không có người ở trong vài thập kỷ tới.

Cuộc điều trần của ông Kan với quốc hội diễn ra một ngày sau khi ông Yukio Edano, Chánh văn phòng nội các dưới thời ông Kan, cũng ra giải trình với quốc hội.

Khi được hỏi về chuyến thăm của ông Kan tới Fukushima, ông Edano nói Thủ tướng đã tới hiện trường vì Cơ quan an toàn hạt nhân và công nghiệp cùng TEPCO có vẻ như đã “rút lui và bỏ cuộc.”

“Chúng tôi muốn người dân biết rằng một số người quan trọng hơn so với Thứ trưởng Bộ Công nghiệp (người lúc đó có mặt ở hiện trường) phải đến tận nơi và làm chủ tình hình,” ông Edano nói.

Ông Edano, hiện là Bộ trưởng Công nghiệp, cũng nói ông từ chối đề nghị giúp đỡ của Mỹ vì các lo ngại liên quan đến chủ quyền quốc gia của Văn phòng tổng thống.

Tuy nhiên Nhật Bản sau đó chấp nhận sự hỗ trợ từ Mỹ, bao gồm việc triển khai một đơn vị lính thủy đánh bộ chuyên biệt cho các tình huống khủng hoảng hạt nhân./.

Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục