Cựu trùm truyền thông Vantu bị kết án 8 năm tù, tịch thu tài sản

Một tòa án phúc thẩm Romania đã tuyên phạt 8 năm tù giam đối với cựu trùm truyền thông Sorin Ovidiu Vantu do vụ đổ vỡ quỹ đầu tư FNI, gây thiệt hại số tiền tiết kiệm cả đời của 300.000 người.
Cựu trùm truyền thông Vantu bị kết án 8 năm tù, tịch thu tài sản ảnh 1Cựu trùm truyền thông Sorin Ovidiu Vantu. (Nguồn: mediafax.ro)

Ngày 21/2, một tòa án phúc thẩm Romania đã tuyên phạt 8 năm tù giam đối với cựu trùm truyền thông Sorin Ovidiu Vantu do vụ đổ vỡ quỹ đầu tư FNI, gây thiệt hại số tiền tiết kiệm cả đời của 300.000 người.

Các thẩm phán đã bác bỏ các bào chữa liên quan đến vụ FNI, đồng thời ra lệnh tịch thu số tài sản trị giá 13 triệu USD của ông Vantu.

Trước đó, vào năm 2016, ông này đã bị một tòa sơ thẩm ở Romania tuyên phạt 6 năm tù giam.

Vào những năm 1990, ông Vantu đã thành lập quỹ đầu tư FNI với cam kết mang lại lợi nhuận hấp dẫn cho những người gửi tiền.

Tuy nhiên, sau khi quỹ này sụp đổ vào năm 2000, các nhà điều tra phát hiện ra rằng tài sản của quỹ này chỉ có 5 triệu USD, một con số rất nhỏ so với con số 100 triệu USD được công bố trong các báo cáo tài chính. Và ngay trước khi FNI sụp đổ, ông Vantu đã rút hàng triệu USD.​

Ông Vantu, 61 tuổi, từng là một trong những người giàu nhất Romania. Ông cũng là cựu sở hữu Tập đoàn Realitatea Media, nhiều lần đứng trước nguy cơ phá sản trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến 2006 và đã 4 lần bị thẩm vấn với cáo buộc hoạt động trái pháp luật.

Năm 2012, ông Vantu bị kết án tù 2 năm do trợ giúp Nicolae Popa, một đồng nghiệp tại FNI trốn khỏi đất nước. Cũng trong năm này, ông Vantu bị kết án vì tội tống tiền Giám đốc đài truyền hình Realitatea.

Việc tăng án tù với ông Vantu diễn ra trùng thời điểm xảy ra một loạt vụ biểu tình quy mô lớn tại thủ đô Bucharest từ đầu tháng này nhằm yêu cầu chính phủ thu hồi một sắc lệnh gây tranh cãi về giảm nhẹ tội tham nhũng.

Những người chỉ trích cho rằng việc chính phủ của đảng Dân chủ Xã hội ban hành sắc lệnh khẩn cấp trên là nhằm bảo vệ các chính trị gia khỏi bị truy tố.

Trước sức ép của người biểu tình và các nước EU, sắc lệnh trên đã được Chính phủ Romani thu hồi và Quốc hội nước này tiến hành bỏ phiếu chính thức hủy bỏ vào ngày 21/2./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục