Đã có 148.000 hộ dân tộc thiểu số được vay vốn ưu đãi

Trong giai đoạn 2011-2015, đã có 147.835 hộ dân tộc thiểu số tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo... được vay vốn để sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống.
Đã có 148.000 hộ dân tộc thiểu số được vay vốn ưu đãi ảnh 1Nguồn vốn ưu đãi đã trở thành “bà đỡ” đồng bào dân tộc trên cao nguyên Lâm Đồng phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống. (Nguồn: NHCSXH)

Sau 5 năm thực hiện Nghị định 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc, giai đoạn 2011-2015, Ngân hàng Chính sách xã hội đã góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, giúp cho hộ nghèo, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận với nguồn vốn cho vay ưu đãi của Chính phủ để đầu tư sản xuất kinh doanh, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trong giai đoạn 2011-2015, Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai gần 20 chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với đồng bào dân tộc thiểu số có tổng tổng dư nợ đạt 1.141 tỷ đồng, giúp cho 147.835 hộ dân tộc thiểu số tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo... được vay vốn để sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống.

Ngoài ra, hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn được tham gia vay vốn một số dự án có nguồn vốn nước ngoài như Dự án trồng rừng ngập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Dự án trồng rừng của Ngân hàng Thế giới tại các tỉnh miền trung, Dự án đa dạng hóa thu nhập nông thôn tại Tuyên Quang...

Nguồn vốn ưu đãi giúp cho hộ dân tộc thiểu số đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi trâu, bò, xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, hỗ trợ kinh phí học tập... góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, nguồn vốn này còn làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho hàng triệu lượt hộ, giúp cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tự tin và tăng dần vị thế trong xã hội, đồng thời từng bước quen dần với cơ chế thị trường.

Để đạt được kết quả như trên, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách trong toàn hệ thống, đặc biệt là các tỉnh thuộc khu vực Tây Nam bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc và một số chi nhánh có chất lượng tín dụng thấp, là những nơi đặc biệt khó khăn, có nhiều hộ nghèo.

Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đưa vốn tín dụng chính sách của Nhà nước đến tận tay người thụ hưởng một cách nhanh chóng, thông suốt, bảo đảm công khai, dân chủ. Tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức thích hợp giúp cho đồng bào các dân tộc nhận thức đúng đắn, trách nhiệm của người vay trong việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi theo quy định.

Tín dụng chính sách cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của cả nước giai đoạn 2011-2015 từ 11,76% xuống còn 5,97%./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục