Đã có điều kiện đẩy nhanh thỏa thuận hòa bình ở Colombia

Tư lệnh Ricardo Téllez tuyên bố đã xuất hiện những “điều kiện thực sự” để ký một hiệp ước hòa bình “ổn định và lâu dài” giữa chính phủ và nhóm FARC.
Đã có điều kiện đẩy nhanh thỏa thuận hòa bình ở Colombia ảnh 1 Tư lệnh Ricardo Téllez. (Nguồn: diarioadn.co)

Tư lệnh Ricardo Téllez, thành viên nhóm đàm phán của Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC), cho rằng lần đầu tiên đã xuất hiện điều kiện để đẩy nhanh ký một thỏa thuận hòa bình với chính phủ, đồng thời khẳng định môi trường quốc tế “rất thuận lợi” để các cuộc thương thảo giữa nhóm du kích cánh tả này và chính phủ kết thúc thắng lợi.

Trả lời phỏng vấn báo El Telégrafo của Ecuador ngày 6/4, ông Téllez, người mang biệt danh Rodrigo Granda và được đánh giá là “Ngoại trưởng” của FARC, tuyên bố chưa bao giờ có những “điều kiện thực sự” để tiến tới ký một hiệp ước hòa bình “ổn định và lâu dài” giữa chính phủ và nhóm nổi dậy này như hiện nay.

Ông Granda tham gia phái đoàn của FARC đang thương thảo tại Cuba với đại diện của chính phủ nhằm chấm dứt cuộc xung đột vũ trang kéo dài 50 năm qua tại Colombia.

Nhà lãnh đạo du kích này nêu bật sự ủng hộ của quốc tế đối với các cuộc hòa đàm này. Theo ông, không có sự phản đối từ bất kỳ trung tâm quyền lực nào trên thế giới đối với các cuộc thương thảo hiện nay.

Chính phủ và FARC đang tiến gần tới thỏa thuận về giải quyết vấn đề buôn lậu ma túy, sau khi đã đàm phán thành công hai điểm đầu tiên của chương trình thương lượng là chính sách phát triển nông nghiệp toàn diện, và sự tham gia của FARC trên chính trường sau khi hai bên ký hòa ước.

Các vấn đề còn phải thương thuyết là giải giáp vũ khí, bồi thường cho các nạn nhân của xung đột và cơ chế tiến hành trưng cầu ý dân về thỏa thuận nếu hai bên đạt được.

Các cuộc thương thuyết hiện nay bắt đầu tháng 11/2012, sau thất bại của các cuộc thương thuyết tương tự diễn ra trong các năm 1982, 1992 và 1998 giữa FARC và các chính phủ trước đây tại Colombia.

Theo ước tính, ít nhất 220.000 người thiệt mạng, 25.000 người mất tích và 4,7 triệu người phải rời bỏ nơi sinh sống, hậu quả của cuộc xung đột vũ trang kéo dài năm thập kỷ qua tại quốc gia Nam Mỹ này. Đây được cho là cuộc xung đột vũ trang kéo dài nhất tại châu Mỹ chưa được giải quyết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục