Đã có thêm 3 người chết do mưa lũ tại Nghệ An và Quảng Bình

Tại Nghệ An đã có một người bị chết do mưa lũ, đó là em Phạm Ngọc Hoàng, sinh năm 2003, lớp 8B trường Trung học cơ sở Nam Kim, xã Nam Kim, huyện Nam Đàn bị chết trên đường đi học.
Đã có thêm 3 người chết do mưa lũ tại Nghệ An và Quảng Bình ảnh 1Tuyến đường dân cư khối 9, phường Quán Bàu, thành phố Vinh ngập sâu trong biển nước (Ảnh chụp lúc 9h30). (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Do mưa lớn, tại Nghệ An đã có một người bị chết do mưa lũ, đó là em Phạm Ngọc Hoàng, sinh năm 2003, lớp 8B trường Trung học cơ sở Nam Kim, xã Nam Kim, huyện Nam Đàn bị chết trên đường đi học do bị nước lũ cuốn trôi vào sáng 15/10.

Đến trưa 15/10, nhiều tuyến giao thông quan trọng đã bị ách tắc do mưa lũ.

Đơn cử, Quốc lộ 48E bị ngập nước, ách tắc giao thông tại đoạn đi qua xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu; đường tỉnh 542E ách tắc tại đoạn đi qua xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên; Quốc lộ 15 ngập nước, ách tắc tại đoạn qua thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ...

Các tuyến đường nội xã và từ xã này đến xã khác, có rất nhiều tuyến đường đang trong tình trạng sạt lở, ngập nước không thể đi lại.

Mưa to cũng gây thiệt hại nặng về sản xuất nông nghiệp, thủy sản của tỉnh Nghệ An. Thống kê sơ bộ đến trưa 15/10 đã có 815ha lúa, 5.206ha ngô và rau màu, 609ha nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh bị ngập chìm trong nước.

Đê Tả Lam (đê lớn nhất tại Nghệ An) đang sạt lở tại nhiều vị trí, nguy cơ đe dọa đến an toàn của đê.

Tỉnh Nghệ An đề nghị các ngành, địa phương và người dân tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; tăng cường công tác thông tin truyền thông, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng ven sông suối, hạ lưu các hồ đập, vùng trũng thấp để chính quyền địa phương và người dân biết, chủ động phòng tránh.

Tỉnh đã lên phương án di dời dân tại những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở và vùng trũng thấp đến nơi an toàn; bố trí lực lượng, phương tiện tại những khu vực xung yếu để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố.

Từ sáng 15/10, Sở Giao thông vận tải Nghệ An và các đơn vị liên quan đã bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn người và phương tiện qua lại tại các ngầm, tràn, bến đò ngang, đò dọc hoặc cấm đường tại những vị trí ngập lụt để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện.

Do mưa lớn kéo dài diện rộng từ ngày 14 đến 15/10, hàng ngàn học sinh trên địa bàn thành phố Vinh và huyện Hưng Nguyên phải nghỉ học.

Để chủ động đối phó với áp thấp và mưa lũ xẩy ra, sáng 15/10, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An yêu cầu các đơn vị trường học trên địa bàn thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến của áp thấp, mưa lũ để chủ động đối phó.

Hiệu trưởng các trường học căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương để quyết định cho các em nghỉ học hay đến trường. Sẵn sàng triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên và phương án đảm bảo an toàn tài sản, cơ sở vật chất các công trình trường, lớp học khi xảy ra mưa bão.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cũng chỉ đạo các trường học trên địa bàn bố trí lực lượng trực tại đơn vị 24/24 giờ để theo dõi, chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng chống áp thấp và mưa lũ. Phối hợp chặt chẽ với Ban phòng chống lụt bão tại địa phương để ứng cứu kịp thời khi có các tỉnh huống xấu do mưa bão gây ra.

Riêng các huyện miền núi, các huyện có sông lớn chảy qua, cần đề phòng lũ ống, lũ quét và nước sông dâng lên bất ngờ. Đồng thời có kế hoạch phòng chống các dịch bệnh, kịp thời vệ sinh trường lớp, khắc phục hậu quả, tổ chức dạy bù cho học sinh sau khi mưa bão chấm dứt.

Khoảng 2 giờ sáng 15/10, do mưa lớn ở phía thượng nguồn làm sông Roòn ở huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) xuất hiện lũ bất ngờ, khiến hàng chục tàu đánh cá của ngư dân xã Cảnh Dương neo đậu ở đây bị nước cuốn chìm, gây bị mắc cạn hoặc cuốn trôi ra biển…

Theo thông tin ban đầu trong các thuyền đánh cá bị nạn ở trên có ít nhất 6 thuyền bị chìm ngay cửa sông, 9 thuyền bị mắc cạn, 1 thuyền chưa tìm thấy, 3 thuyền bị nước cuốn trôi ra biển…

Ngay sau khi xảy ra trận lũ cuốn bất ngờ, lực lượng chức năng và chính quyền huyện Quảng Trạch đã có mặt để chia sẻ khó khăn cùng ngư dân.

Lực lượng chức năng huyện Quảng Trạch đã phối hợp với lực lượng Đồn Biên phòng Roòn (thuộc Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Bình), lực lượng Cảnh sát biển, Cảng vụ Sông Gianh để tham gia cứu hộ, kéo 3 thuyền đánh cá trôi dạt trên biển vào bờ.

Hiện mức nước ở sông Roòn đang lên cộng với sóng to, gió lớn nên việc trục vớt các tàu bị chìm, thuyền mắc cạn cũng như tìm kiếm thuyền mất tích còn gặp nhiều khó khăn.

Sáng 15/10, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chóng thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết, những ngày qua khu vực Quảng Bình đã có mưa to đến rất to khiến hàng chục người thương vong, 26.920 ngôi nhà bị ngập và 56 nhà bị tốc mái; nhiều ha hoa màu, cây ăn qua, gia súc, gia cầm, tàu thuyền... bị thiệt hại nặng sau mưa lũ.

Thống kê ban đầu đến thời điểm này tại Quảng Bình mưa lớn và lốc xoáy đã làm 2 người chết, trong đó các nạn nhân là Lê Văn Thân (thôn 7, xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch), Nguyễn Thị Lài (xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh); 8 người bị thương; 5 người bị mất tích.

Hiện nay các lực lượng đang triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn nhưng vẫn chưa tìm được.

Địa phương bị thiệt hại nặng nhất là thị xã Ba Đồn có trên 14.700 nhà bị ngập sâu; huyện Tuyên Hóa có hơn 6.500 nhà bị ngập, 354 nhà bị cô lập (các xã Châu Hóa, Mai Hóa, Cao Quảng) bị cô lập do sạt lỡ đường hoặc nước ngập đường và 34 nhà ở xã Đức Hóa bị lũ quét.

Huyện Minh Hóa có 1048 nhà bị ngập; huyện Bố Trạch có 4.530 nhà bị ngập và tốc mái do lốc xoáy. Nhiều nhà bị ngập sâu trung bình từ 1-3m.

Tại thôn Phú Xuân, xã Quảng Phú (huyện Quảng Trạch) bờ sông bị sạt lở 20m chiều sâu và khoảng trên 200m chiều dài, làm hư bến thuyền 110m2, gần 200 cây dương liễu bên bờ biển bị sóng biển đánh đổ.

Nhiều gia súc, gia cầm bị nước cuốn trôi; hàng chục ha hoa màu, cây ăn quả ngập úng; nhiều ao nuôi tôm cá bị vỡ và ngập sâu trong nước; một số công trình dân sinh, trường học... bị hư hại nặng.

Tại những khu vực nguy hiểm, lãnh đạo và chính quyền địa phương đã chỉ đạo, tiến hành sơ tán dân.Theo đó, đã sơ tán 78 người tại xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch đến những nhà cao tầng; di dời 1.500 hộ tại các xã Hưng Trạch, Sơn Trạch, Mỹ Trạch, Liên Trạch, Phúc Trạch (huyện Bố Trạch) và 287 hộ huyện Tuyên Hóa đến những nơi cao ráo, an toàn.

Ngoài ra, giao thông trên các tuyến quốc lộ bị chia cắt; đường sắt bị ngập lụt. Hiện có 1 tàu khách với 132 khách đang kẹt tại ga Lệ Sơn.

Chiều 14/10 và sáng 15/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã cử các đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo tỉnh đến kiểm tra công tác phòng chống lũ lụt, thăm hỏi các gia đình bị lốc xoáy và người bị thương tại huyện Quảng Ninh và huyện Lệ Thủy.

Để tiếp tục chủ động đối phó với các tình huống mưa, lũ, sáng 15/10, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện các công điện đã chỉ đạo. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo thực hiện, khẩn trương các biện pháp để đảm bảo an toàn về người; nghiêm cấm việc đi qua các ngầm tràn, đò ngang, khe suối. Cương quyết không cho người vớt củi trong lũ lụt, người đánh bắt cá ở các khu vực nguy hiểm, khu vực ở lũ vùng đầu nguồn. Đặc biệt chú ý quản lý trẻ em, không để trẻ em đi chơi trong nước lũ, tuyệt đối không để trẻ em chết vì lũ lụt.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục cứu hộ, cứu nạn các tàu đứt neo đang bị mắc kẹt, các tàu trôi dạt trên biển và tìm kiếm người mất tích.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khẩn trương cử cán bộ, chiến sỹ, phương tiện tiếp cận và hỗ trợ tàu khách đang mắc kẹt tại ga Lệ Sơn về nguyên liệu chạy tàu, thức ăn, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết khác để đảm bảo đời sống và an tòan cho cán bộ và khách trên tàu.

Đồng thời, cùng với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường lực lượng về cơ sở để giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các sở, ngành, đơn vị, địa phương thường xuyên cập nhật tình hình mưa lũ, tình hình thiệt hại và các đối tượng cần hỗ trợ giúp đỡ, báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để kịp thời chỉ đạo.

Sở Giao thông vận tải phối hợp với Công an tỉnh thông báo cho các phương tiện khi chưa thông tuyến thì không vào địa phận Quảng Bình để đảm bảo cho người và phương tiện.

Trong ba ngày qua (từ 1 giờ ngày 13/10 đến 5 giờ ngày 15/10) khu vực Quảng Bình đã có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 700-1.000 mm.

Hiện nay lũ trên các sông ở Quảng Bình đang lên nhanh và đã xảy ra lũ lụt ở vùng đồng bằng và lũ quét ở vùng miền núi. Mưa đã giảm và một số điểm ngập nước trong tỉnh đã có dấu hiệu rút dần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục