Đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc chịu thêm nhiều áp lực

Những con số tăng trưởng nhanh của Trung Quốc những tháng đầu năm là do cơ sở so sánh ở mức thấp vào cùng kỳ năm ngoái, khi nền kinh tế bị tê liệt do dịch COVID-19.
Đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc chịu thêm nhiều áp lực ảnh 1Người dân mua hàng trong siêu thị ở thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 11/5/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã tăng chậm lại trong tháng Tư, trong khi doanh số bán lẻ thấp hơn dự đoán của giới phân tích, từ đó cho thấy áp lực đang gia tăng lên đà phục hồi trong hoạt động tiêu dùng.

Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 17/5 công bố số liệu cho thấy sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 4/2021 đã tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức tăng 14,1% ghi nhận hồi tháng Ba, do những vấn đề trong nguồn cung và chi phí gia tăng.

Fu Linghui, một người phát ngôn của NBS, cho biết kinh tế Trung Quốc vẫn cải thiện trong tháng Tư, nhưng cũng phát sinh nhiều vấn đề mới. Ông cho rằng những nền tảng cho sự phục hồi kinh tế trong nước vẫn chưa chắc chắn.

Những con số tăng trưởng nhanh của Trung Quốc những tháng đầu năm là do cơ sở so sánh ở mức thấp vào cùng kỳ năm ngoái, khi nền kinh tế bị tê liệt do dịch COVID-19.

Doanh số bán lẻ đã tăng 17,7% trong tháng Tư so với cùng kỳ năm ngoái, yếu hơn nhiều so với mức tăng dự đoán 24,9% của giới phân tích và thấp hơn mức 34,2% ghi nhận hồi tháng Ba.

[Trung Quốc: Chỉ số giá sản xuất tăng vọt trong tháng Tư]

Đầu tư tài sản cố định tăng 19,9% trong giai đoạn bốn tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn dự đoán 19% nhưng thấp hơn mức tăng 25,6% trong giai đoạn từ tháng 1-3.

Trong đó, đầu tư tài sản cố định ở khu vực tư nhân, chiếm khoảng 60% tổng đầu tư, tăng 21% từ tháng 1-4, chậm hơn mức tăng 26% trong ba tháng đầu năm.

Trung Quốc hồi tháng trước cho biết nước này sẽ khuyến khích hoạt động sản xuất và đầu tư phục hồi nhanh nhất có thể.

Hoạt động xuất khẩu bất ngờ tăng tốc trong tháng Tư và tăng trưởng trong nhập khẩu cũng chạm mức cao trong 10 năm qua, nhờ nhu cầu mạnh mẽ đối với hàng hóa Trung Quốc, trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang phục hồi nhanh chóng và hoạt động chế tạo ở các nước khác đang chững lại.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã ghi nhận mức tăng kỷ lục 18,3% trong quý 1, và nhiều chuyên gia dự đoán tăng trưởng sẽ vượt mức 8% trong năm nay.

Nhiều ý kiến cảnh báo rằng những gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và cơ sở so sánh cao hơn sẽ đè nặng lên đà tăng trong những quý tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục