Đa số doanh nghiệp tại Đồng Nai điều chỉnh lương tối thiểu vùng

Hầu hết doanh nghiệp tại Đồng Nai đang áp dụng mức lương tối thiểu vùng 1, mức thấp nhất doanh nghiệp tăng cho người lao động là 250.000 đồng/người/tháng, cao nhất đạt trên 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Đa số doanh nghiệp tại Đồng Nai điều chỉnh lương tối thiểu vùng ảnh 1Một dây chuyền sản xuất giày dép xuất khẩu. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, từ 1/1/2017, các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thực hiện tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động theo Nghị định 153/2016/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 153).

Hầu hết doanh nghiệp tại Đồng Nai đang áp dụng mức lương tối thiểu vùng 1, mức thấp nhất doanh nghiệp tăng cho người lao động là 250.000 đồng/người/tháng, cao nhất đạt trên 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Lê Đức Vinh, Giám đốc nhân sự Công ty Trách nhiệm hữu hạn Máy tính Fujitsu (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) cho biết Công ty Fujitsu hiện có trên 2.000 lao động. Năm 2016, lương cơ bản của lao động mới vào làm việc tại doanh nghiệp này đã đạt hơn 3,5 triệu đồng/người/tháng (cao hơn quy định của Nhà nước), cộng với các chế độ phúc lợi khác, tổng thu nhập của lao động đạt khoảng 4,5-5 triệu đồng/tháng.

Từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 153, lãnh đạo Công ty Fujitsu đã làm việc, bàn bạc với tổ chức công đoàn, người lao động để lên phương án điều chỉnh lương.

Ông Vinh khẳng định: "Khi tăng lương theo Nghị định 153, Công ty Fujitsu còn tính đến yếu tố trượt giá nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Lãnh đạo doanh nghiệp thống nhất sẽ tăng lương từ tháng 1/2017 cho toàn thể lao động trong công ty, mức tăng thấp nhất là 250.000 đồng/người."

Công ty ChangShin Việt Nam (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) sử dụng gần 27.000 lao động. Dù quỹ lương của doanh nghiệp rất lớn song mỗi lần Nhà nước đề ra chính sách điều chỉnh lương tối thiểu vùng là doanh nghiệp lập tức áp dụng.

Mức tăng của công ty luôn cao hơn quy định của Nhà nước. Thực hiện Nghị định 153, Công ty ChangShin Việt Nam quyết định tăng lương theo mức hơn 7%. Với quyết định này, người được tăng thấp nhất là 250.000 đồng/tháng (làm việc dưới 1 năm), những người đã làm việc vài chục năm sẽ được tăng mỗi tháng 1,5 triệu đồng.

Chủ tịch Công đoàn Công ty ChangShin Việt Nam Đặng Tuấn Tú chia sẻ: “Công ty đã xây dựng thang bảng lương, tất cả lao động làm việc trên 1 năm đều được tăng lương 5% mỗi năm. Cùng với triển khai Nghị định 153, doanh nghiệp còn tăng lương theo kế hoạch hàng năm (5%). Như vậy từ tháng 1/2017, Công ty ChangShin Việt Nam tăng lương hơn 12%. Công nhân làm việc lâu năm mức tăng đạt hơn 1,5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh tăng lương, doanh nghiệp vẫn giữ nguyên các khoản phụ cấp đối với tất cả người lao động."

Theo ông Tú, do sử dụng đông lao động nên năm 2016, mỗi tháng Công ty ChangShin Việt Nam chi hơn 150 tỷ đồng để trả lương cho công nhân (chưa tính tiền cho chuyên gia). Năm 2017, với mức lương mới, Công ty ChangShin Việt Nam sẽ bố trí thêm (ngoài quỹ lương hiện tại) 26 triệu USD để chi trả cho người lao động và đóng nộp các khoản bảo hiểm.

Dù chi tiền lương tăng cao song lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, chính sách tiền lương của Việt Nam rất phù hợp, góp phần nâng cao đời sống cho người lao động.

Theo ông Phạm Văn Cộng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 153, Đồng Nai đã tổ chức 4 đoàn kiểm tra, giám sát phương án, thời gian điều chỉnh lương tại các doanh nghiệp. Quá trình kiểm tra cho thấy đa số doanh nghiệp ở Đồng Nai dù đang trả lương cho người lao động cao hơn quy định của Nhà nước nhưng vẫn đề ra kế hoạch tăng lương.

Ở Đồng Nai, doanh nghiệp điều chỉnh lương theo hai hình thức. Một số công ty đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh tăng đồng đều cho tất cả người lao động với mức tăng từ 250.000-300.000 đồng/người. Các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đã xây dựng thang bảng lương, thực hiện tăng theo mức hơn 7%. Theo cách này, lao động làm việc lâu năm, lương cơ bản cao, mức tăng càng cao.

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai nhận định: "Do thời điểm tăng lương tối thiểu vùng trùng với dịp Tết Nguyên đán 2017, những doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính không vững sẽ gặp khó khăn khi vừa phải tăng lương vừa chi tiền thưởng Tết Nguyên đán.

Từ tháng 12/2016 đến nay, cơ quan chức năng của Đồng Nai đã tăng cường nắm tình hình, với những doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, các cấp công đoàn sẽ tổng hợp ý kiến của công nhân, làm việc với chủ sử dụng lao động để đề ra giải pháp phù hợp; đảm bảo doanh nghiệp vừa điều chỉnh lương đồng thời không cắt thưởng Tết của người lao động."

Để tạo sự đồng thuận giữa người lao động và giới chủ khi điều chỉnh lương, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai phối hợp cùng ngành chức năng trong tỉnh tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa doanh nghiệp và người lao động; tăng cường giám sát, ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp tăng lương nhưng lại cắt các khoản phụ cấp khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục