Đa số người dân Nhật Bản muốn giữ nguyên Hiến pháp hòa bình

Kết quả điều tra dư luận của hãng tin Kyodo mới đây cho thấy khoảng 60% số người được hỏi cho rằng không nên thay đổi Hiến pháp Nhật Bản trong khi 32% kêu gọi thay đổi.
Đa số người dân Nhật Bản muốn giữ nguyên Hiến pháp hòa bình ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Kết quả điều tra dư luận của hãng tin Kyodo mới đây cho thấy khoảng 60% số người được hỏi cho rằng không nên thay đổi Hiến pháp Nhật Bản trong khi 32% kêu gọi thay đổi. Cuộc điều tra diễn ra vào thời điểm Thủ tướng Shinzo Abe đang sửa đổi đạo luật cơ bản này.

Tỷ lệ người ủng hộ việc duy trì Hiến pháp hiện nay tăng từ mức 55% trong cuộc điều tra của Hiệp hội Nghiên cứu Công luận Nhật Bản (JAPOR) hồi tháng 7/1994, thời điểm có 34% số người khẳng định cần phải thay đổi.

Con số trên cho thấy số người hy vọng không có sự thay đổi nào đối với Hiến pháp tăng lên bất chấp nỗ lực của Chính quyền Shinzo Abe.

Chính phủ Nhật Bản đã thay đổi cách diễn giải đối với bản Hiến pháp này hồi tháng 7/2014 cho phép Nhật Bản thực thi quyền phòng vệ tập thể hoặc sử dụng vũ lực để bảo vệ đồng minh. Dự luật an ninh quốc gia sẽ cụ thể hóa việc thay đổi trên hiện đang được thảo luận tại Quốc hội.

Phần lớn những người trả lời đều trích dẫn các điểm đáng khen ngợi của Hiến pháp và hy vọng đạo luật cơ bản này sẽ không bị thay đổi. Trong số này, 88% lựa chọn đặc điểm từ bỏ chiến tranh và chủ nghĩa hòa bình trong khi 51% bày tỏ tôn trọng các quyền cơ bản của con người. Những người trả lời được phép lựa chọn tối đa hai đặc điểm.

Trong khi đó, những người cho rằng cần hay đổi Hiến pháp phần lớn đều cho rằng đặc điểm từ bỏ chiến tranh và chủ nghĩa hòa bình là có vấn đề. 36% trong số này đưa ra những lựa chọn khác trong khi 34% coi việc soạn thảo Hiến pháp cho Nhật Bản của lực lượng đồng minh là có vấn đề.

Kyodo News đã tiến hành điều tra từ tháng 5/2015 để đánh giá công luận 70 năm sau khi Nhật Bản bại trận trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Trong cuộc điều tra này, 63,2% trong số 3.000 người trưởng thành được lựa chọn ngẫu nhiên đã hồi đáp. Những người trực tiếp trải qua chiến tranh bị giới hạn ở mức 6% số người trả lời.

49% số người trả lời coi cuộc chiến tranh là “cuộc chiến xâm lược” và 9% coi đây là “cuộc chiến tự vệ.” Tuy nhiên, 41% không đưa ra quan điểm rằng cuộc chiến này là xâm lược hay tự vệ.

Trong cuộc điều tra này, 67% cho rằng Thủ tướng Shinzo Abe cần có lời xin lỗi về hành động xâm lược và chế độ thực dân của Nhật Bản trước và trong cuộc chiến trong tuyên bố dự kiến đánh dấu kỷ niệm 70 năm kết thúc chiến tranh. Con số này lớn hơn so với 30% số người trả lời cho rằng không cần phải xin lỗi.

Các cựu Thủ tướng Tomiichi Murayama và Junichiro Koizumi đã đưa ra lời xin lỗi tương tự trong diễn văn tại lễ kỷ niệm kết thúc chiến tranh 50 và 60 năm. Trong cuộc điều tra dư luận này, 28% cho rằng Nhật Bản cần có lời xin lỗi đầy đủ đến các nước láng giềng vì đã gây khổ đau cho nhân dân các nước này trước khi chiến tranh kết thúc. 54% khác cho rằng lời xin lỗi đã được đưa ra ở một chừng mực nào đó.

Trong tổng số người trả lời, 55% cho rằng Thủ tướng cần viếng Đền Yasukuni ở Tokyo, nơi thờ hàng triệu vong linh chết trận, trong đó có cả tội phạm chiến tranh. Con số trên vượt quá 43% số người phản đối Thủ tướng viếng đền.

42% số người trả lời cho rằng Nhật Bản cần ưu tiên ngoại giao với các nước châu Á khác trong khi hơn 70% cho rằng Nhật Bản cần nỗ lực cải thiện quan hệ với Trung Quốc và Hàn Quốc vốn gặp nhiều sóng gió trong những năm gần đây.

Bước tiến tốt đẹp được biết đến nhiều nhất trong 70 năm sau chiến tranh của Nhật Bản là tái thiết đất nước và tăng trưởng kinh tế với 55% lựa chọn trong khi 54% cho rằng tiến triến tốt đẹp nhất của Nhật Bản là không dính líu đến cuộc chiến nào.

Liên quan đến vấn đề còn khúc mắc sau chiến tranh, 30% cho rằng sợi dây liên kết trong các gia đình và cộng đồng địa phương còn yếu trong khi 28% đề cập đến sự tàn phá môi trường.

Cuộc điều tra lần này cũng cho thấy 52% số người cho rằng Nhật Bản đang đi chệch hướng, vượt qua tỷ lệ 46% cho rằng nước này đang đi đúng hướng. Tỷ lệ những người trả lời bi quan cao hơn trong thế hệ trẻ với 57% ở độ tuổi 20 hoặc 30, 54% thuộc độ tuổi 40 hoặc 50 và 49% đối với những người lớn tuổi.

Ngoài ra, 58% trong số những người hy vọng giữ nguyên Hiến pháp cho rằng Nhật Bản đang đi theo chiều hướng xấu hơn. Trong khi đó, 66% trong số những người cảm thấy Nhật Bản có thể dính líu đến chiến tranh trong tương lai cho rằng Nhật Bản đang đi theo chiều hướng xấu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục