Đặc phái viên LHQ hối thúc chuyển giao quyền lực tại Libya

Đặc phái viên LHQ về Libya Martin Kobler ngày 6/4 hối thúc nhanh chóng hoàn tất việc chuyển giao quyền lực cho chính phủ đoàn kết đã về thủ đô Tripoli từ tuần trước.
Đặc phái viên LHQ hối thúc chuyển giao quyền lực tại Libya ảnh 1Đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya Martin Kobler. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya Martin Kobler ngày 6/4 hối thúc nhanh chóng hoàn tất việc chuyển giao quyền lực cho chính phủ đoàn kết đã về thủ đô Tripoli từ tuần trước, đồng thời cảnh báo rằng hòa bình vốn mong manh ở thành phố này có thể bị phá vỡ nếu chính phủ mới không hoạt động được.

Ông Kobler cũng kêu gọi Quốc hội Libya được quốc tế công nhận, hiện hoạt động ở miền Đông nước này, tiến hành bỏ phiếu chấp thuận chính phủ đoàn kết dân tộc. Đặc phái viên Liên hợp quốc cảnh báo quốc hội này có thể bị gạt ra ngoài lề nếu không thực hiện động thái này.

Ngay sau khi ông Kobler đưa ra các kêu gọi trên, người đứng đầu chính quyền tự xưng đang kiểm soát thủ đô Tripoli, ông Khalifa Ghweil, ra tuyên bố yêu cầu các bộ trưởng trong chính phủ của ông không rời nhiệm sở.

Động thái trên của ông Ghweil trái ngược với tuyên bố một ngày trước đó của chính phủ ở Tripoli và được một số bộ trưởng ủng hộ, theo đó chính phủ này sẵn sàng nhường quyền lãnh đạo.

Chưa rõ lý do hai động thái trái ngược trên, song giới phân tích cho rằng có sự chia rẽ trong nội bộ chính quyền tự xưng ở Tripoli.

Từ giữa năm 2014, tại Libya tồn tại hai chính phủ và hai quốc hội đối địch. Chính phủ do Quốc hội được quốc tế công nhận bầu ra đã buộc phải chuyển tới thành phố Tobruk ở miền Đông sau khi lực lượng Hồi giáo Bình minh Libya chiếm thủ đô Tripoli và lập chính phủ tự xưng với sự ủng hộ của cơ quan lập pháp đã mãn nhiệm.

Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya được thành lập theo thỏa thuận chia sẻ quyền lực được các bên đối địch ký kết dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc tại Maroc hồi tháng 12/2015.

Các cường quốc phương Tây ủng hộ chính phủ đoàn kết dân tộc Libya, coi đây là cơ hội tốt nhất để đoàn kết các phái vũ trang chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Libya cũng như ngăn chặn dòng người di cư vượt Địa Trung Hải và phục hồi nền kinh tế Libya bằng cách khôi phục sản xuất dầu mỏ.

Ngày 30/3 vừa qua, Thủ tướng chính phủ đoàn kết dân tộc Libya Fayez al-Sarraj đã từ Tunisia về thủ đô Tripoli để bắt đầu công việc, bất chấp các phe phái đối địch Libya chưa chấp thuận chính phủ này.

Theo các nguồn tin, Hội đồng Tổng thống lãnh đạo chính phủ đoàn kết dân tộc đang hoạt động tại một căn cứ hải quân ở Tripoli. Ông al-Sarraj đã nhận được sự ủng hộ của các thể chế tài chính quan trọng như Ngân hàng trung ương Libya, Công ty Dầu mỏ quốc gia, cũng như của chính quyền các thành phố phía Đông và phía Nam.

Tuy nhiên, Quốc hội Libya được quốc tế công nhận hiện đang ở Tobruk chưa thể bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ đoàn kết dân tộc do không tập hợp đủ số nghị sỹ cần thiết.

Ngày 6/4, chính phủ đoàn kết dân tộc đã chỉ thị tất cả các uỷ ban, cơ quan và các bộ phải tôn trọng quyền hạn của chính phủ mới và sử dụng logo của chính phủ này. Chính phủ đoàn kết dân tộc cũng yêu cầu ngân hàng trung ương và cục kiểm toán phải ngay lập tức đóng băng toàn bộ các tài khoản nhà nước, ngoại trừ lương dùng để trả cho các nhân viên chính phủ.

Liên quan tình hình Libya, Hội nghị tham vấn cùa Hội đồng soạn thảo hiến pháp Libya (CDA) đã kết thúc tại Oman tối 6/4 sau 3 tuần làm việc, trong đó các bên nhất trí về dự thảo hiến pháp mới của Libya.

Trong tuyên bố được đưa ra tại phiên bế mạc, quyền Chủ tịch CDA Al Jilani Abdul Salam al-Jamal cho biết các bên đã đạt được sự đồng thuận mà không bị gây sức ép nào.

Đại sứ Oman tại Libya Qasem bin Mohammed bày tỏ vui mừng công bố dự thảo hiến pháp Libya, đồng thời cho rằng sự đồng thuận này là hình mẫu về cách thức giải quyết bất đồng giữa các bên.

Hội nghị trên do Oman chủ trì nhằm đạt sự đồng thuận cuối cùng về bản dự thảo hiến pháp đáp ứng nguyện vọng của toàn thể người dân Libya. Tham gia cuộc họp có tổng cộng 32 trong số 55 thành viên CDA cùng nhiều quan chức cấp cao khác.

Trước đó, một số thành viên CDA bày tỏ phản đối tổ chức các cuộc họp của cơ quan này tại Oman, cho rằng việc hội đồng này làm việc bên ngoài Libya là không thích hợp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục