Đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận một số dự án luật

Theo Chủ tịch Quốc hội, Kỳ họp Quốc hội thứ 9 vừa qua và Kỳ họp thứ 10 tới đây, Quốc hội tập trung cao độ vào việc hoàn thiện pháp luật về tư pháp.
Đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận một số dự án luật ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Ngày 24/8, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách, thảo luận về một số dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 sắp tới.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh Kỳ họp Quốc hội thứ chín vừa qua và Kỳ họp thứ 10 tới đây, Quốc hội tập trung cao độ vào việc hoàn thiện pháp luật thuộc lĩnh vực tư pháp.

Để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 10, tại Hội nghị này, các đại biểu sẽ xem xét, cho ý kiến vào 5 dự án Luật. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Đại biểu Quốc hội chuyên trách tập trung cho ý kiến vào 3 dự án luật là Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, Luật Hình sự và Luật Tố tụng hình sự.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn các đại biểu chuyên trách dành thời gian, tập trung trí tuệ, góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng các dự thảo Luật trước khi trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 sắp tới.


Tòa án không thể viện cớ không có điều luật cụ thể để từ chối xét xử.

Trong buổi làm việc sáng nay, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã thảo luận về một số vấn đề lớn, còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ Luật Dân sự (sửa đổi).

Theo Báo cáo Một số vấn đề lớn về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các Đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến vào 7 nội dung lớn bao gồm các quy định về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự; chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự; hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức; thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác theo hợp đồng; về cơ chế thu giữ tài sản bảo đảm; điều chỉnh hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi cơ bản; lãi suất trong hợp đồng vay tài sản.

Về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định cho phép áp dụng tập quán, tương tự pháp luật và lẽ công bằng trong Bộ luật Dân sự là cần thiết. Tuy nhiên, về cơ chế áp dụng quy định này thì còn có ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng chỉ cần quy định như dự thảo Bộ luật Dân sự là đủ.

Cũng có ý kiến đề nghị quy định rõ cơ quan có thẩm quyền lựa chọn và công bố tập quán, quy định về cơ chế áp dụng tương tự pháp luật, lẽ công bằng trong xét xử để làm cơ sở cho việc áp dụng trong thực tiễn.

Thảo luận về nội dung này, nhiều ý kiến đại biểu đồng tình quy định cho phép áp dụng tập quán, tương tự pháp luật và lẽ công bằng trong Bộ luật Dân sự và cho rằng, đây là một trong những bước tiến lớn của Bộ luật Dân sự.

Theo đại biểu Lê Nam của tỉnh Thanh Hóa, thực tiễn hiện nay, trình độ thẩm phán không đồng đều, nhất là thẩm phán Tòa án Nhân dân cấp huyện. Trong điều kiện Việt Nam hiện tại, nếu giao cho các thẩm phán quyền quyết định áp dụng các tiền lệ pháp, tập quán pháp là chưa bảo đảm.

Đại biểu Lê Nam cho rằng, nên giao cho Hội đồng thẩm phán, Tòa án Nhân dân Tối cao có những tổng kết, quy định về cơ chế áp dụng tương tự pháp luật, lẽ công bằng trong xét xử để làm cơ sở thì sẽ bảo đảm được sự công bằng, thống nhất áp dụng trên toàn đất nước.

Cũng về vấn đề này, đại biểu Trương Minh Hoàng, Cà Mau đề nghị, quy định rõ cấp nào, ở đâu thừa nhận tập quán để các thẩm phán áp dụng.

Cho ý kiến thảo luận về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh nhân dân đặt ra nhà nước để giải quyết việc của dân. Dân “kêu” sao Nhà nước lại từ chối? Hiến pháp quy định Tòa án nhân dân thực hiện quyền xét xử và thực hiện quyền tư pháp.

Hiến pháp đã giao cho Tòa án nhiệm nhiệm vụ xét xử, hễ có các tranh chấp dân sự thì Tòa án phải xét xử. Hiến pháp cũng giao cho Tòa án quyền tư pháp, quyết định phải-trái, đúng-sai. Tòa án không thể viện cớ không có điều luật cụ thể quy định để từ chối xét xử. Vấn đề là cần có các quy định như thế nào để Tòa án có thể xét xử. Đối với những vụ việc chưa có điều luật cụ thể quy định thì cần phải có quy định này, từ đó để công dân sống và làm việc theo pháp luật.

Nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn

Chiều nay, thảo luận về dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu quốc hội tại buổi làm việc là hoạt động chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn với nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động giám sát đặc biệt này.

Qua thảo luận, một số ý kiến cho rằng, Một số ý kiến góp ý về chất vấn cho rằng không nên quy định việc để Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay thường trực Hội đồng Nhân dân đề xuất những nhóm vấn đề chất vấn bởi như vậy có thể sẽ hạn chế các vấn đề được đưa ra chất vấn.

Có ý kiến đề nghị nên quy định theo hướng đại biểu Quốc hội có thể gửi thẳng chất vấn đến đối tượng chất vấn chứ không nhất thiết phải gửi qua Ủy ban Thường vụ như quy định tại dự thảo luật. Dự thảo nên quy định đối tượng được chất vấn sau khi nhận được chất vấn thì 30 ngày phải trả lời chứ không nên chỉ chất vấn ở kỳ họp Quốc hội và phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các đại biểu cũng đề nghị dự thảo lần này cần sửa đổi theo hướng khắc phục tình trạng chỉ giám sát qua báo cáo mà nên có ấn định những hình thức cụ thể, hiệu quả và có tính thực tiễn cao hơn. Mọi cuộc giám sát đều phải ban hành kết luận, làm rõ đúng sai và cơ quan được giám sát cũng được phép cung cấp tài liệu giải trình trước khi đoàn giám sát ra kết luận.

Nhấn mạnh đến giá trị pháp lý của kết luận giám sát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng đây mới là điểm then chốt của dự án luật này.

Có ý kiến đề nghị, để khắc phục sự hình thức trong giám sát, dự thảo nên quy đinh theo hướng mỗi cuộc giám sát đều phải ra nghị quyết, bắt buộc các tổ chức cá nhân có liên quan phải thực hiện; đồng thời báo cáo kết quả giám sát cần được gửi cho cả cơ quan quản lý nhà nước cấp trên của của cơ quan được giám sát. Báo cáo giám sát phải nói rõ trách nhiệm, đặc biệt trách nhiệm cá nhân người đừng đầu và thời gian khắc phục vấn đề báo cáo nêu.

Sáng mai, hội nghị tiếp tục làm việc, thảo luận về Dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục