Đại biểu Quốc hội đánh giá về 14 chỉ tiêu kinh tế xã hội

Ông Ngân hy vọng sẽ có một gói hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó phải tập trung vào hỗ trợ vốn, lãi suất để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn và lãi suất thấp.
Đại biểu Quốc hội đánh giá về 14 chỉ tiêu kinh tế xã hội ảnh 1Đại biểu Trần Hoàng Ngân trả lời báo chí bên lề Quốc hội. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Ngày 10/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 với nhiều chỉ tiêu quan trọng như GDP, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và giảm tải bệnh viện…

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

- Quốc hội vừa bấm nút thông qua 14 chỉ tiêu kinh tế xã hội, ông có nghĩ rằng những chỉ tiêu đặt ra là phù hợp trong bối cảnh hiện nay?

Ông Trần Hoàng Ngân: Tôi cho rằng chỉ tiêu đó ở mức khả thi và phù hợp, như GDP tăng 6,7%, xuất khẩu tăng 10% và nhập siêu 10%. Các giải pháp về đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Đặc biệt các giải pháp về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường... được các đại biểu nhất trí cao.

Trong đó tôi đặc biệt chú ý đến giải pháp như có chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp và doanh nghiệp sản xuất trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nghị quyết này đã tập hợp ý kiến của tất cả đại biểu Quốc hội nên đã được các đại biểu thông qua cao, tạo sự đồng thuận lớn.

- GDP năm 2016 tăng 6,7% là chỉ tiêu khá cao, theo ông đâu là động lực tăng trưởng trong năm tới?

Ông Trần Hoàng Ngân: Đặt ra mục tiêu tăng trưởng là 6,7%, nhưng tổng vốn đầu tư xã hội chỉ đạt 31% GDP, như vậy có nghĩa là hệ số ICOR chỉ có 4:6, có nghĩa là đã nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Như vậy, nguồn vốn đầu tư sẽ được phân bổ vào lĩnh vực hiệu quả.

Trong thời gian qua, chúng ta triển khai Luật đầu tư công vì vậy việc giám sát các khoản chi được chặt chẽ hơn và ưu tiên dự án hiệu quả nên tránh được đầu tư dở dang. Bên cạnh đó, vấn đề cổ phần hóa, tái cơ cấu, tái cấu trúc lại nền kinh tế sẽ được nâng lên.

- Với nhiều chỉ tiêu khá cao như vậy, ông kỳ vọng gì trong phát triển kinh tế - xã hội 2016?

Ông Trần Hoàng Ngân: Năm 2016 sẽ có những bước đột phá mới. Thời gian qua ta đã tập trung cho ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu nền kinh tế. Nên với nền tảng vững chắc là thể chế đã hoàn thiện và kinh tế vĩ mô ổn định thì chúng ta sẽ có sự tăng trưởng nhanh hơn so với giai đoạn 2011-2015 và đảm bảo tính bền vững.

Tôi cũng đánh giá cao Nghị quyết này, khi tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, đặc biệt là ưu tiên tái cơ cấu nông nghiệp. Đây là quyết định đúng hướng với tình hình kinh tế vừa qua.

- Ông đã nhấn mạnh đến sự phát triển của khối doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vậy theo ông cần phải có chính sách cụ thể nào để hỗ trợ khối doanh nghiệp này phát triển hơn nữa?

Ông Trần Hoàng Ngân: Cuối năm nay ta tham gia cộng đồng Kinh tế ASEAN, với một thị trường 600 triệu dân, đi đến thị trường chung thống nhất nên ta tự do hóa về hàng hóa vốn, đầu tư và lao động kỹ năng. Do đó, doanh nghiệp trong nước, bên cạnh cơ hội mở ra một thị trường, thì đây cũng là thách thức không nhỏ.

Những thách thức này thường rơi vào doanh nghiệp nhỏ yếu thế, cụ thể là hộ nông dân, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một trong những vấn đề là làm sao nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh doanh nghiệp thì Chính phủ phải có chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ và hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tôi vẫn đeo đuổi một gói hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó phải tập trung vào hỗ trợ vốn, lãi suất để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn và lãi suất thấp, đổi mới công nghệ để hiện đại hóa máy móc thiết bị. Có như vậy mới giải quyết được bài toán căn cơ là cải tiến máy móc thiết bị, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam.

Thời gian qua nhiều doanh nghiệp muốn đổi mới công nghệ và mua sắm máy móc thiết bị, nhưng ngặt một cái là họ lo lắng lãi suất cao, lo ngại lạm phát quay trở lại thì lãi suất tăng. Trong khi doanh nghiệp đầu tư trung dài hạn, lãi suất đảo chiều thì sẽ rủi ro. Do đó, doanh nghiệp e ngại và cần một chính sách ổn định về lãi suất.

- Mới đây Bộ Tài chính công bố danh mục giảm thuế trong TPP, nhưng Việt Nam cắt giảm thuế cho gần 100% hàng hóa nhập khẩu. Liệu điều này có gây sức ép cho doanh nghiệp trong nước không thưa ông?

Ông Trần Hoàng Ngân: Với một thị trường chung trong ASEAN là 600 triệu dân và trong TPP là 800 triệu dân, hàng hóa Việt Nam sẽ hội nhập với thế giới nhiều hơn thì người tiêu dùng sẽ là được hưởng lợi nhiều nhất, chúng ta mua được hàng hóa với giá cả giảm thuế.

Nhưng ngược lại với doanh nghiệp sản suất những mặt hàng tiêu dùng của Việt Nam có thể sẽ bị cạnh tranh. Ngay cả lĩnh vực chăn nuôi của hộ nông dân, cũng sẽ bị cạnh tranh.

Tuy nhiên, hàng dệt may của mình, hiện đang đứng thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Bangladesh, thì với TPP sẽ giúp Việt Nam đứng thứ nhì, vì Việt Nam lấy được thị phần của Bangladesh và Trung Quốc.

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục