Đại học Sư phạm: Thí sinh khiếm thị vẫn phải thi

Sau một số năm miễn cho thí sinh khuyết tật, năm nay, Đại học Sư phạm Hà Nội lại tổ chức thi cho đối tượng này để đảm bảo chất lượng.
Hai thí sinh khiếm thị của Đại học Sư phạm Hà Nội vẫn phải làm bài thi như các thí sinh bình thường. Điểm khác là hai em được bố trí phòng thi riêng, có hai giám thị coi thi, 1 giám thị đọc đề và một cán bộ chuyên về người khuyết tật có nhiệm vụ hỗ trợ các em khi cần thiết.

Bài thi của các em được làm bằng chữ nổi và được chấm riêng.

Theo ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp của Đại học Sư phạm, trong hai em này, một thí sinh đã đăng ký từ đầu là bị khiếm thị, một em khi đến làm thủ tục, trường mới biết.

Tuy nhiên, cả hai đều không được miễn thi.

Năm nay là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các trường đại học, cao đẳng xét miễn thi, thay bằng một hình thức kiểm tra khác, đối với thí sinh khuyết tật để tuyển các em vào trường. Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, đây là một chủ trương có tính nhân văn và tính xã hội sâu sắc.

Trong cả hai đợt thi đại học vừa qua, đã có hàng chục thí sinh khuyết tật được các trường xét tuyển thẳng, miễn thi.

Lý giải về cách làm khác biệt của trường mình, ông Hiền cho biết, Đại học Sư phạm Hà Nội là một trong những trường đầu tiên đề nghị Bộ cho xét tuyển thẳng thí sinh khuyết tật. Trên thực tế, Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đã triển khai miễn thi cho thí sinh khuyết tật từ cách đây 4 năm.

Tuy nhiên, sau một số năm thực hiện, lượng thí sinh khiếm thị đăng ký vào trường ngày càng đông, có năm lên tới 5 em, trong khi chất lượng lại giảm. Vì thế, để đảm bảo công bằng cho các thí sinh cũng như chất lượng đầu vào, Đại học Sư phạm lại quay về thực hiện không xét tuyển mà tổ chức thi cho đối tượng này.

Mùa thi năm nay, trong đợt 1, Đại học Sư phạm có một thí sinh bị dị tật mắt kém bẩm sinh, trường cũng tổ chức thi riêng.

“Tổ chức thi cho các em, trường rất vất vả, nhưng vẫn phải làm,” ông Hiền phân trần.

Cũng theo ông Hiền, điểm thi sẽ là một cơ sở để xét tuyển. Nếu thí sinh chỉ thấp hơn điểm chuẩn ở mức nhất định, trường vẫn sẽ nhận các em vào học, nhưng nếu thấp quá, thì không thể ưu tiên./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục