Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII: Khơi dậy các giá trị văn hóa

Sau 30 năm đổi mới, đời sống văn hóa Hà Nội có sự thay đổi đáng kể trên cơ sở bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống và tiếp thu có chọn lọc những luồng văn hóa mới.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII: Khơi dậy các giá trị văn hóa ảnh 1Nhóm ca trù của CLB UNESCO Ca nhạc truyền thống Hà Nội. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Trải qua bao biến cố lịch sử, những giá trị cốt lõi của văn hóa Thăng Long-Hà Nội luôn được gìn giữ và phát huy. Đặc biệt, sau 30 năm đổi mới, đời sống văn hóa Hà Nội có sự thay đổi đáng kể trên cơ sở bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống và tiếp thu có chọn lọc những luồng văn hóa mới. Phát triển văn hóa luôn là ưu tiên hàng đầu của Thủ đô.

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cổ

Bao thế hệ người Hà Nội đều tự hào với truyền thống ngàn năm văn hiến, được lưu truyền, tiếp nối theo dòng chảy lịch sử. Niềm tự hào đó gắn với các giá trị văn hóa tinh thần mang cốt cách người Tràng An, gắn với một kho tàng giá trị văn hóa phi vật thể và một hệ thống văn hóa vật thể dày đặc.

Nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Cát, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin Hà Nội (nay là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) khẳng định trong nhiều năm qua, các giá trị văn hóa truyền thống của Hà Nội được tôn lên một vị trí mới. Đền chùa được tu bổ, tôn tạo; các loại hình nghệ thuật cổ được phục dựng; cách ứng xử thanh lịch văn minh của người Hà Nội xưa đang được nhân rộng.

Hà Nội tự hào là địa phương đi đầu cả nước trong việc quan tâm tu bổ, tôn tạo di tích. Với gần 5.850 di tích, trong đó nhiều di tích nghìn năm tuổi, việc bảo tồn là một quá trình gian nan và tốn kém. Nhưng vượt qua khó khăn, thành phố đã huy động nhiều nguồn lực để gìn giữ các di tích cho muôn đời sau.

Từ năm 2010 đến nay, gần 1.000 lượt di tích được đầu tư, tu bổ, tôn tạo và công tác này tiếp tục được triển khai trong thời gian tới. Đặc biệt, với một di sản thế giới, 11 di tích quốc gia đặc biệt, 1.167 di tích quốc gia và 1.179 di tích cấp thành phố, đã chứng minh những nỗ lực của Hà Nội trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích. Trong đó, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, chùa Một Cột, phố cổ Hà Nội... không chỉ nổi danh trong nước mà cả thế giới. Mỗi ngày, các điểm di tích này đón hàng nghìn lượt du khách đến tham quan, tìm hiểu.

Đi liền với việc bảo tồn di tích, Hà Nội quan tâm bảo tồn đến các loại hình văn hóa truyền thống phi vật thể, bởi đây chính là một phần “hồn cốt” Thăng Long-Hà Nội. Đó là việc tìm lại các giá trị gốc, phục dựng lại những lễ hội, những loại hình nghệ thuật truyền thống bị mai một. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà hội Gióng đền Phù Đổng và đền Sóc Sơn, nghệ thuật ca trù, kéo co được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Nhiều nghệ thuật múa cổ như đánh bông, bài bông, Giảo Long... đang được nhiều người biết đến. Năm 2015, Hà Nội cũng hoàn thành kiểm kê các loại hình văn hóa phi vật thể trên địa bàn toàn thành phố và triển khai 6 dự án bảo tồn gồm bảo tồn hát trống quân, múa hát Ải Lao, bơi chải, nói lóng, rèn thủ công và tri thức trồng thuốc nam của người Dao.

Quan tâm xây dựng con người

Trong những năm qua, Hà Nội xây dựng mới nhiều công trình văn hóa phục vụ đời sống văn hóa tinh thần ngày càng cao của người dân Thủ đô như Rạp Công nhân, Rạp Đại Nam, Nhà hát múa rối Thăng Long, Trung tâm văn hóa Kim Đồng, Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long... Nhiều công viên lớn được xây dựng như Hòa Bình, Yên Sở, Hồ Tây… Thành phố cũng đang tiếp tục quy hoạch, xây dựng một số công viên khác.

Bên cạnh đó, đời sống văn hóa nghệ thuật tiếp tục được các cấp chính quyền quan tâm với việc tạo điều kiện tổ chức các chương trình ca nhạc, các sự kiện văn hóa, nhất là vào những ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước. Các đoàn nghệ thuật của Hà Nội cũng được đầu tư kinh phí để xây dựng vở diễn mới, có chất lượng, được tham gia các kỳ liên hoan nghệ thuật trong và ngoài nước.

Theo giáo sư Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, hiện là Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Thăng Long: “Cùng với việc xây dựng các mặt đời sống văn hóa, việc xây dựng con người, đặc biệt con người thanh lịch, văn minh, Hà Nội phải đi đầu cả nước. Bởi Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm văn hóa lớn nên có trách nhiệm đó.”

Không phải bây giờ mà ngay từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Hà Nội đã xây dựng cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa.” Cuộc vận động này kéo dài hơn 10 năm, tạo sự chuyển biến rõ rệt về cách ứng xử trong cộng đồng. Từ nền tảng này, Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã nhân rộng ra các địa phương khác và được nhiều địa phương vận dụng.

Đến nay, nhiều phong trào văn hóa được Hà Nội triển khai có hiệu quả như phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa,” “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.”

Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội còn ban hành chương trình 04-Ctr/TU về “Phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.”

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đang xây dựng bộ quy tắc ứng xử tại các cơ quan, đơn vị, trường học và cộng đồng dân cư, chuẩn bị hoàn thiện để triển khai trong cuộc sống. Riêng phong trào “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” đang được cả cộng đồng quan tâm, bởi đây không chỉ là việc gìn giữ cách ứng xử, lối sống của người Hà Nội xưa, mà còn xây dựng con người văn minh, phù hợp với cuộc sống hiện đại ngày nay.

Đề cao tính đại diện

Những chuyển biến trong 30 năm qua là cơ sở vững chắc để Hà Nội tiếp tục phát triển văn hóa trong các giai đoạn tiếp theo. Trong quy hoạch phát triển văn hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng văn hóa xứng tầm với vị thế Thủ đô của đất nước, trung tâm văn hóa hàng đầu của khu vực, tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa, đồng thời xứng đáng với truyền thống văn hiến Thăng Long-Hà Nội, xây dựng những giá trị mới làm nền tảng tinh thần cho xã hội. Các giá trị tốt đẹp của văn hóa Thăng Long tiếp tục được bảo tồn, kế thừa và phát huy; nâng cao mức hưởng thụ và tham gia sáng tạo văn hóa của các tầng lớp nhân dân.

Để đạt được mục tiêu này, Hà Nội tập trung xây dựng lối sống, đời sống và môi trường văn hóa, đảm bảo đến năm 2020 đạt 86-88% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa; 60-62% làng, thôn, bản được công nhận và giữ vững danh hiệu làng, thôn, bản văn hóa.

Bên cạnh đó, các giá trị di sản văn hóa tiếp tục được bảo tồn và phát huy. Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 có 75-80% hiện vật trong các bảo tàng được số hóa, 70% di tích quốc gia và 75% di tích cấp thành phố được tu bổ, tôn tạo, 250 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng và hoàn thành quy hoạch bảo tồn, phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của thành phố Hà Nội.

Giai đoạn 2016-2020, Hà Nội triển khai xây dựng trung tâm bảo tồn văn hóa truyền thống, trung tâm biểu diễn nghệ thuật văn hóa dân gian Hà Nội; hệ thống quảng trường, công viên, vườn hoa, rạp chiếu phim được đầu tư mạnh hơn.

Hà Nội cũng đưa ra nhiều giải pháp cụ thể trong phát triển văn hóa. Đặc biệt, trong phong trào “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh,” thành phố tăng cường định hướng xã hội về giáo dục, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc, kỷ cương, kỷ luật đối với các tầng lớp xã hội, đặc biệt đối với tầng lớp thanh thiếu niên.

Thành phố cũng kết hợp chặt chẽ công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức giữa các tổ chức, đoàn thể với nhà trường và gia đình. Có như vậy, phong trào mới tạo chuyển biến mạnh cả về chất và lượng, hiệu quả xã hội cao.

Nhiệm vụ lớn, trọng trách cao, nhưng với quan điểm ưu tiên phát triển văn hóa, Hà Nội nỗ lực khẳng định vị trí là trung tâm văn hóa của cả nước và hướng đến là trung tâm văn hóa của khu vực, địa phương tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa./.

(Còn nữa)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục