Đại hội đồng IPU 136 bế mạc và ra Thông cáo Dhaka

Tại phiên kết thúc kỳ họp Đại hội đồng, các đại biểu đã thông qua "Thông cáo Dhaka về Cải thiện tình trạng bất bình đẳng: Hành động nhằm đảm bảo nhân phẩm và an sinh cho tất cả mọi người."
Đại hội đồng IPU 136 bế mạc và ra Thông cáo Dhaka ảnh 1Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại một cuộc họp IPU. (Ảnh: Huy Bình/TTXVN)

Ngày 7/4, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 136 đã bế mạc thành công tại thủ đô Dhaka của Bangladesh.

Tại phiên kết thúc kỳ họp Đại hội đồng, các đại biểu đã thông qua "Thông cáo Dhaka về Cải thiện tình trạng bất bình đẳng: Hành động nhằm đảm bảo nhân phẩm và an sinh cho tất cả mọi người."

Thông cáo nhấn mạnh tình trạng bất bình đẳng cùng cực là một trong những vấn đề quan trọng hiện nay, làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế, sức mạnh và sự thịnh vượng của mọi quốc gia, là yếu tố gia tăng bạo lực và bất ổn định, đòi hỏi các quốc gia phối hợp hành động mạnh mẽ hơn nữa.

Thông cáo Dhaka đề ra những biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng ở cấp độ quốc gia và toàn cầu như tăng cường khuôn khổ pháp lý, đề nghị các nghị viện ban hành nhiều văn bản luật và quy định tạo thuận lợi cho mọi người dân, đặc biệt là những nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội; tăng cường hơn nữa tính đại diện của nghị viện, lắng nghe người dân, tích cực đổi mới nâng cao sự minh bạch, tăng cường chống tham nhũng, củng cố hoạt động của nghị viện và các cơ quan trong hệ thống chính trị; xây dựng nền kinh tế vững mạnh, ban hành các chính sách kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục vì lợi ích của mọi người dân; có các biện pháp khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp hộ gia đình và hợp tác xã; thúc đẩy phát triển con người, đảm bảo lợi ích cho người lao động, bảo hiểm thất nghiệp, giáo dục, đào tạo dạy nghề, tạo cơ hội việc làm cho mọi người, nhất là những người dễ bị tổn thương như phụ nữ, người yếu thế, người khuyết tật; và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường viện trợ và nâng cao chất lượng các khoản viện trợ đối với các nước đang phát triển và các nước kém phát triển nhất trên thế giới.

Đại hội đồng cũng đã thông qua Nghị quyết của Ủy ban thường trực về Hòa bình và An ninh quốc tế liên quan tới vai trò của nghị viện trong việc ngăn can thiệp từ bên ngoài vào công việc nội bộ của các quốc gia; Nghị quyết của Ủy ban thường trực về phát triển bền vững, tài chính và thương mại về thúc đẩy hợp tác quốc tế trong triển khai các mục tiêu phát triển bền vững, nhất là tài chính toàn diện cho phụ nữ, coi đây là một động lực phát triển; thông qua Nghị quyết về chủ đề khẩn cấp của Đại hội đồng, đó là Hành động khẩn cấp của quốc tế nhằm cứu hàng triệu người đang chịu nạn đói và hạn hán ở châu Phi và Yemen.

Đại hội đồng đã nghe và thông qua báo cáo các cuộc họp quan trọng của IPU như Ủy ban Chấp hành, Hội đồng Điều hành, thảo luận tại Ủy ban Dân chủ và Nhân quyền, Ủy ban về các vấn đề Liên hợp quốc, Diễn đàn nữ nghị sỹ IPU, Ủy ban nhân quyền đối với các nghị sỹ; thông qua một số điểm sửa đổi đối với Điều lệ của IPU và quy chế hoạt động của một số Ủy ban IPU.

Bên cạnh đó, Đại hội đồng đã đồng thuận nhất trí việc Tổng Thư ký IPU Martin Chungoong tiếp tục đảm nhiệm vai trò Tổng Thư ký IPU trong nhiệm kỳ 2018-2022.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham dự các hoạt động của Đại hội đồng IPU 136 và có những đóng góp tích cực vào thành công của hội nghị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục