Đại hội đồng Liên hợp quốc bắt đầu tuần thảo luận cấp cao thường niên

Đây là lần đầu tiên Đại hội đồng triệu tập một hội nghị của các nguyên thủ quốc gia để thảo luận về tình trạng người di cư và người tị nạn ồ ạt trên toàn cầu.
Đại hội đồng Liên hợp quốc bắt đầu tuần thảo luận cấp cao thường niên ảnh 1Toàn cảnh Hội nghị cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York ngày 19/9. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, sáng 19/9 (giờ địa phương), tức tối 19/9 (giờ Hà Nội) tại trụ sở của Liên hợp quốc, New York, Mỹ, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 71 đã khai mạc Hội nghị cấp cao về người di cư và người tị nạn.

Đây là lần đầu tiên Đại hội đồng triệu tập một hội nghị của các nguyên thủ quốc gia để thảo luận về tình trạng người di cư và người tị nạn ồ ạt trên toàn cầu.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo dự kiến thông qua tuyên bố New York, bao gồm những cam kết triển khai một kế hoạch đồng bộ để xử lý vấn đề người di cư và người tị nạn một cách hiệu quả hơn.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu sẽ chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận giữa các nhà lãnh đạo của Liên hợp quốc và Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) về việc chính thức tiếp nhận IOM làm một cơ quan trực thuộc hệ thống Liên hợp quốc.

Bên lề các phiên thảo luận cấp cao của Liên hợp quốc, trong ngày 20/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ chủ trì Hội nghị cấp cao thứ hai về cuộc khủng hoảng người tị nạn toàn cầu với sự tham gia của đại diện khoảng 40 nước.

Theo thông báo của Nhà Trắng, hội nghị này đặt ra ba mục tiêu cụ thể như sau:

Thứ nhất là thuyết phục cộng đồng quốc tế tăng 30% nguồn tiền tài trợ cho các hoạt động nhân đạo trên thế giới, từ 10 tỷ USD trong năm 2015 lên 13 tỷ USD trong năm nay.

Thứ hai là tăng gấp đôi trường hợp được tái định cư và tìm kiếm những con đường hợp pháp mới để tiếp nhận người tị nạn đồng thời tăng số quốc gia chấp nhận số lượng đáng kể người tị nạn.

Thứ ba là tăng số người tị nạn được đến trường trên toàn cầu thêm 1 triệu người và số người tị nạn được phép đi làm cũng tăng thêm 1 triệu người.

Hội nghị cấp cao về người di cư và người tị nạn cũng là sự kiện mở màn tuần hoạt động cấp cao thường niên của Liên hợp quốc.

Sau đó, từ ngày 20/9 đến hết ngày 26/9, trong khuôn khổ phiên thảo luận cấp cao hàng năm, các nhà lãnh đạo thể giới sẽ có lần lượt có các bài tham luận theo chủ đề "Những Mục tiêu Phát triển Bền vững - Cú huých toàn cầu để làm biến đổi thế giới."

Tất cả các bài tham luận đều hướng tới mục tiêu định hình phản ứng chung của đại gia đình Liên hợp quốc trước nhiều thách thức đang đặt ra đối với thế giới, như là các cuộc xung đột kéo dài, tình trạng nghèo đó cùng cực, cuộc khủng hoảng người tị nạn và tình trạng biến đổi khí hậu.

Một sự kiện nổi bật khác của tuần hội nghị cấp cao năm nay là vào ngày 21/4 Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon sẽ chủ trì một sự kiện đặc biệt để đẩy nhanh tiến trình biến Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu trở nên có hiệu lực.

Tại sự kiện, các quốc gia có thể trao văn kiện phê chuẩn hiệp định cho Tổng Thư ký.

Sau khi Trung Quốc và Mỹ - hai quốc gia thải nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhất thế giới - trao cho Liên hợp quốc văn kiện phê chuẩn hiệp định, để văn bản này có hiệu lực sẽ cần thêm 28 quốc gia nữa - chiếm 16% lượng khí thải toàn cầu - phê chuẩn hiệp định.

Cũng trong ngày 21/4, Đại hội đồng sẽ tổ chức phiên thảo luận cấp cao về tình trạng kháng kháng thuốc kháng sinh, một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với sức khỏe của con người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục