Đại sứ Belarus: Việt Nam là đối tác ưu tiên ở khu vực châu Á

Đại sứ Belarus tại Việt Nam khẳng định quan hệ hợp tác với Việt Nam là chính sách đối ngoại ưu tiên của Belarus trong khu vực châu Á.
Đại sứ Belarus: Việt Nam là đối tác ưu tiên ở khu vực châu Á ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nhân ngày Quốc khánh Cộng hòa Belarus và kỷ niệm 70 năm giải phóng khỏi ách chiếm đóng của phátxít (3/7/1944-3/7/2014), phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Cộng hòa Belarus tại Việt Nam Valery Sadokho.

Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

- Trước năm 1991, Cộng hòa Belarus kỷ niệm ngày độc lập vào ngày 27/7 thông qua tuyên bố chủ quyền Belarus. Nhưng hiện nay thì ngày kỷ niệm độc lập Cộng hòa Belarus vào ngày 3/7. Điều đó có liên quan gì đến nhau?

Đại sứ Valery Sadokho: Ngày 3/7 được quyết định bởi một cuộc trưng cầu dân ý, ngày thành phố anh hùng Minsk được giải phóng khỏi ách xâm lược của phátxít Đức. Ngày Độc lập tượng trưng cho tự do, độc lập của Tổ Quốc.

Năm nay chúng tôi kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng thành phố Minsk. Trong cuộc chiến giành độc lập ấy, Belarus đã phải chịu tổn thất vô cùng to lớn. Cứ 3 người Belarus thì có một người hy sinh, hàng triệu người Belarus đã chết trong cuộc chiến tranh khủng khiếp này. Bởi vậy, đó là điều không thể quên, luôn luôn ngự trị trong tâm trí của chúng tôi.

Việc chúng tôi kỷ niệm ngày lễ độc lập vào đúng ngày này có một ý nghĩa biểu tượng vô cùng to lớn. Vào ngày này, chúng tôi vinh danh tất cả các cựu chiến binh đã tham gia giải phóng Belarus, tham gia vào cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Lãnh đạo Nhà nước Belarus rất quan tâm tới các cựu chiến binh và anh hùng lao động, quan tâm đến việc nâng cao đời sống cho họ.

- Trong những năm qua, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam-Belarus đã được gia tăng đáng kể, hai bên đã tiến hành trao đổi các chuyến thăm ở các cấp và cấp cao nhất. Ngài có cho rằng, việc củng cố mối quan hệ hợp tác với Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đối với các thành tựu của một quốc gia Belarus độc lập? Việt Nam có vị thế như thế nào trong chiến lược kinh tế đối ngoại của Belarus?

Đại sứ Valery Sadokho: Mối quan hệ hữu nghị Việt Nam-Belarus có một lịch sử lâu dài, Belarus cùng với Liên bang Xôviết đã giúp đỡ Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập trong những năm của thế kỷ XX, cũng như trong giai đoạn khôi phục nền kinh tế của đất nước sau chiến tranh, xây dựng các công trình công nghiệp chủ chốt.

Belarus coi mối quan hệ hợp tác với Việt Nam là một trong các chính sách đối ngoại ưu tiên của mình trong khu vực châu Á và mong muốn phát triển mối quan hệ này lên tầm đối tác chiến lược.

Chúng tôi trân trọng mối quan hệ hữu nghị với Việt Nam, một đất nước có uy tín quốc tế không ngừng phát triển. Cộng hòa Belarus rất quan tâm theo dõi các thành tựu của Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, cải thiện đời sống cho nhân dân.

Việt Nam là đối tác chủ chốt của chúng tôi tại khu vực Đông Nam Á, Belarus coi Việt Nam là bàn đạp để phát triển lợi ích của mình trong khu vực này. Bởi vậy việc phát triển các mối quan hệ với Việt Nam, đất nước trong những năm qua đã tích cực “gia tăng phát triển” tại khu vực Đông Nam Á, là điều đặc biệt quan trọng.

- Trong năm 2013, các cuộc đàm phán về Hiệp định thương mại tự do giữa các quốc gia thành viên Liên minh hải quan Belarus-Kazakhstan-Liên bang Nga với Việt Nam đã khởi động và thực hiện được 6 vòng đàm phán. Ngài có thể đánh giá về triển vọng của khu vực tự do thương mại giữa các nước?

Đại sứ Valery Sadokho: Belarus là quốc gia đang phát triển nhanh chóng và có một nền kinh tế định hướng vào xuất khẩu. Tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại với Việt Nam là một trong chính sách ưu tiên ngoại thương của chúng tôi. Tháng 3/2013, đàm phán về Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh hải quan với Việt Nam đã được bắt đầu tại Hà Nội.

Đến thời điểm này các bên đã qua 6 vòng đàm phán. Các cuộc đàm phán được diễn ra trên tinh thần hữu nghị, xây dựng, có tính đến lợi ích của tất cả các bên tham gia. Phía Belarus khẳng định sự quan tâm đến việc nhanh chóng kết thúc đàm phán và chuyển sang ký kết hiệp định vào đầu năm 2015.

Việc thành lập khu vực thương mại tự do giữa Liên minh hải quan và Việt Nam sẽ trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy sự gia tăng trao đổi thương mại song phương. Khu vực thương mại tự do - trước hết đó là sự trao đổi hàng hóa phi thuế quan, giảm bớt các quy định kỹ thuật, kiểm soát vệ sinh, các hình thức thực tế điều tiết thị trường lao động, hợp tác đầu tư, khả năng tham gia vào các dự án của các nước thành viên.

Việc ký kết hiệp định cũng có ý nghĩa về mặt chính trị và cho phép củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược của các bên, dựa trên mức độ hợp tác nhiều năm giữa Belarus, Liên bang Nga, Kazakhstan và Việt Nam.

- Phóng viên: Trong khuôn khổ các cuộc gặp cấp cao, các bên đã thảo luận về hàng loạt các vấn đề hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Belarus. Trong các dự án đã được xem xét, ngài Đại sứ có thể đánh giá những dự án nào là quan trọng và có triển vọng hơn cả?

Đại sứ Valery Sadokho: Trong 10 năm qua, trao đổi hàng hóa giữa hai nước gia tăng 7 lần, năm 2013 đạt 200 triệu USD. Mức tăng trưởng ổn định của thương mại song phương giữa hai nước, theo tôi đó là sự bổ sung lẫn nhau của các nền kinh tế Việt Nam và Belarus.

Đặc biệt, phía Belarus quan tâm tới việc tiếp tục mở rộng việc cung cấp vào thị trường Việt Nam các sản phẩm đang rất được ưa chuộng tại đây như phân bón kali, ô tô vận tải, ô tô ben dùng cho khai thác mỏ, lốp ô-tô cỡ lớn, máy kéo, động cơ, sản phẩm kim loại, sản phẩm công nghệ cao, các loại thực phẩm.

Về phần mình phía Belarus sẵn sàng đón nhận các loại sản phẩm Việt Nam cung cấp trực tiếp vào thị trường Belarus như hải sản, gạo, hạt điều, cà phê, chè, hạt tiêu, rau quả nhiệt đới, cao su, và các loại hàng hóa khác.

Mặc dù, thương mại song phương có gia tăng, nhưng chúng tôi cũng phải thừa nhận rằng, trao đổi hàng hóa vẫn còn chưa phù hợp với tiềm năng của hai nước. Bởi vậy trong khuôn khổ của các chuyến thăm, hai bên đã thảo luận đến việc tìm kiếm các cơ chế hợp tác mới. Một trong các định hướng như vậy là thực hiện các dự án liên doanh, hợp tác công nghiệp.

- Xin ngài hãy điểm lại một số thành tựu hợp tác giữa hai nước Việt Nam-Belarus trong các lĩnh vực khoa học, giáo dục, văn hóa trong những năm vừa qua?

Đại sứ Valery Sadokho: Nhằm thúc đẩy trao đổi và sử dụng chung các kiến thức, các tổ chức khoa học Việt Nam và Belarus đã ký kết các thỏa thuận phù hợp, trong số đó có Thỏa thuận hợp tác giữa Viện hàn lâm khoa học Belarus và Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Quy định về Trung tâm liên kết nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vào sản xuất trong các lĩnh vực chế tạo máy và thiết bị, năng lượng và các sản phẩm hóa học giữa Viện hàn lâm khoa học Belarus và Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội sáng chế “Trung tâm chuyển giao công nghệ quốc gia”, Viện Hàn lâm Belarus với Trung tâm đào tạo, tư vấn và chuyển giao công nghệ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Thỏa thuận hợp tác giữa Viện Năng lượng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với Đại học Bách khoa Belarus…

Quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực văn hóa cũng đạt được những kết quả tốt. Dự kiến, tháng 11 năm nay “Những ngày văn hóa Belarus” sẽ được tổ chức tại Việt Nam.

- Việt Nam có dân số gần 90 triệu người, với diện tích lãnh thổ không lớn. Giữa hai bên có thiết lập mối quan hệ hợp tác đưa người lao động đi làm việc tại Việt Nam và Belarus, nhất là trong các lĩnh vực mà Belarus đang thiếu hụt nguồn nhân lực?

Đại sứ Valery Sadokho: Người Việt Nam có kinh nghiệm làm việc tại Belarus ngay từ thời Xôviết. Trong năm 2013, Hiệp định liên chính phủ về lao động tạm thời của công dân Việt Nam tại Belarus và công dân Belarus tại Việt Nam đã có hiệu lực.

Cũng trong năm 2013, số viza cấp cho công nhân Việt Nam sang làm việc tại Belarus đã lên tới 350 người, từ đầu năm 2014 đến nay cũng đã có 230 công dân Việt Nam nhận viza sang Belarus làm việc.

Công dân Việt Nam sang làm việc tại Belarus chủ yếu là công nhân xây dựng, ngoài ra cũng có một số ngành nghề khác như thợ may, đầu bếp… Người lao động Việt Nam đã chứng minh được bản thân mình tại Belarus. Cùng với đó, nhu cầu lao động Việt Nam tại thị trường Belarus đang rất lớn.

Tôi tin rằng, việc gia tăng hợp tác trong lĩnh vực này và tạo sự thuận lợi cho di cư lao động giữa hai nước sẽ đáp ứng được tinh thần tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau, đã được khẳng định trong mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Belarus./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục