Đại thủy nông Nậm Rốm - mạch sống của Điện Biên

Hơn 5 thập kỷ trôi qua, đại thủy nông Nậm Rốm - công trình mang đậm dấu ấn sức trẻ lực lượng TNXP vẫn miệt mài đưa nước tưới tiêu cho cánh đồng Mường Thanh.
Đại thủy nông Nậm Rốm - mạch sống của Điện Biên ảnh 1Một góc cánh đồng Mường Thanh nằm trong thành phố Điện Biên Phủ. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Giữa cái nắng oi ả những ngày cuối tháng Tư, hàng chục công nhân của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủy nông Điện Biên vẫn hăng say làm việc trên đập đầu mối của hệ thống công trình đại thủy nông Nậm Rốm (phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ).

Đây là công trình đại thủy nông lớn nhất khu vực Tây Bắc, được người dân nơi đây gọi là “mạch sống Điện Biên.”

Lau vội những giọt mồ hôi, ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Công ty cho biết: "Đã lâu lắm rồi, Điện Biên không có ngày mưa, thời tiết nắng nóng, oi bức nhưng đơn vị vẫn động viên công nhân tranh thủ thời gian tu sửa bảo dưỡng lại hệ thống công trình để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất."


Công trình tầm vóc thế kỷ

Sông Nậm Rốm chảy từ phía bắc lòng chảo Điện Biên, qua thành phố Điện Biên Phủ, đến huyện Điện Biên rồi chảy sang Lào hòa vào dòng sông Mekong.

Theo tiếng Thái, “nậm” nghĩa là nước hoặc sông, suối, “rốm” nghĩa là cây lát, Nậm Rốm tức là dòng sông bắt nguồn từ rừng gỗ lát.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, đến cuối năm 1962, Đảng và Nhà nước quyết định xây dựng công trình Đại thủy nông Nậm Rốm trên con sông này (tại khu vực phường Him Lam, thành phố Điện Biên hiện nay).

Theo sự chỉ đạo của Khu ủy Khu tự trị Tây Bắc, đồng chí Hoàng Tinh (Khu ủy viên) được giao nhiệm vụ làm Chỉ huy trưởng công trình, đồng chí Trần Độ (nguyên Thiếu tá quân đội) là Chỉ huy phó.

Ngày 3/10/1963, công trình chính thức khởi công. Vào thời điểm này, hơn 2.000 thanh niên, trong đó có nhiều người rất trẻ, vẫn đeo khăn quàng đỏ, chưa học hết phổ thông, từ Thủ đô Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định, Thanh Hóa… nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, của Bác Hồ, đã tự nguyện viết đơn gia nhập lực lượng Thanh niên xung phong xây dựng công trình.

Lực lượng tham gia xây dựng công trình được chia làm chín đội, phụ trách từng hạng mục, công đoạn khác nhau.

Công trình thi công bằng sức người là chính, bởi ngày đó hầu như chưa có bất kỳ máy móc nào. Suốt gần bảy năm (1963-1969) xây dựng công trình, có một thời gian dài, mọi người ăn không đủ no, nước không đủ uống, phải ăn ngô thay cơm triền miên. Thêm vào đó lại phải chịu sự khắc nghiệt của khí hậu với “ruồi vàng-bọ chó-gió Tây Trang” và những trận sốt rét, đau ốm, bệnh tật hoành hành.

Ban ngày, doanh trại phải sơ tán vào rừng tránh máy bay địch, ban đêm lại ra đào đắp, đổ bê tông... Khi quân Mỹ rải hàng trăm tấn bom nhằm hủy diệt công trình, 18 cán bộ, công nhân đã hy sinh.

Vượt lên những khó khăn và sự phá hoại của kẻ thù, công trình đã hoàn thành bằng công sức và một phần xương máu của thế hệ cha anh…

Năm 1969, công trình được đưa vào sử dụng với một đập ngăn sông, một tường chắn sóng; đào và đắp một kênh chính dài gần 1km, một hệ thống kênh dài hơn 34km xuất phát từ Him Lam chia ra hai nhánh kênh tả và kênh hữu. Kênh tả kéo dài đến xã Sam Mứn, còn kênh hữu trải dài đến xã Noong Luống (huyện Điện Biên).

Công trình đại thủy nông này nếu nhìn từ trên cao xuống sẽ thấy như con rồng uốn lượn, ôm trọn lòng chảo Mường Thanh.

Ông Trần Công Chính, Trưởng Ban liên lạc thanh niên xung phong Nậm Rốm là một trong những người đầu tiên có mặt tham gia xây dựng công trình kể lại: "Tôi vẫn nhớ như in những ngày tháng gian khổ nhưng thật tự hào đó. Người đầu tiên ngã xuống trên công trường đại thủy nông Nậm Rốm là chị Phạm Thị Ngọ - người con gái quê gốc Hà Nội. Chị Ngọ hy sinh vào một ngày cuối tháng 12/1963 khi cùng một thanh niên trong tổ, khoan đá nổ mìn thi công đập chính công trình. Quả đồi nơi chị được an táng được những thanh niên xung phong ngày ấy đặt tên là đồi cô Ngọ. Ký ức về những năm tháng đã hoàn thành nhiệm vụ của người thanh niên xung phong phục vụ, chiến đấu và xây dựng công trình đại thủy nông Nậm Rốm là động lực để chúng tôi tiếp tục sống và làm những gì tốt đẹp hơn cho xã hội, gia đình và người thân…"

Sống mãi với thời gian

Cánh đồng Mường Thanh được mệnh danh là vựa lúa của Tây Bắc, sau những năm mới giải phóng chỉ cấy được một vụ lúa, người dân chủ yếu cấy lúa nếp và hoàn toàn nhờ nước trời. Năm nào mưa thuận, gió hòa năng suất cao cũng chỉ đạt 5 tạ/ha. Vì vậy, gần 100% lương thực tỉnh Lai Châu (cũ) lúc bấy giờ đều do Trung ương trợ cấp.

Đến nay, Điện Biên không chỉ sản xuất đủ lương thực cung cấp cho tỉnh mà còn xuất đi các tỉnh, thành trong nước. Thành quả ấy có sự nỗ lực của người dân và quan trọng là nhờ có công trình đại thủy nông Nậm Rốm điều tiết nước cho cánh đồng Mường Thanh.

Từ khi có công trình, diện tích canh tác cánh đồng Mường Thanh được mở rộng từ 2.000ha lên 6.000ha.

Công trình còn phục vụ thủy điện, nước sinh hoạt cho nhân dân nuôi trồng thủy sản đạt sản lượng trên 200 tấn/năm.

Ở thời điểm hiện tại, nông dân Điện Biên đã thâm canh ba vụ (hai vụ lúa, một vụ rau), có những diện tích năng suất đạt 10 tấn/ha. Diện tích ruộng được khai hoang tăng lên không ngừng.

Chị Lò Thị Hính, bản Nà Búng, phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên phấn khởi cho biết: "Khi gia đình tôi chuyển về đây sinh sống thì đã có công trình thủy lợi này. Nhà tôi có diện tích lúa gần 1.800m2, ở ngay gần công trình thủy lợi nên lượng nước chảy đều và nhiều, từ lúc cấy đến lúc thu hoạch không lo thiếu nước. Cũng nhờ vậy gia đình tôi đã có của ăn của để từ cây lúa."

Năm 1982, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủy nông Điện Biên được thành lập để quản lý và khai thác công trình đại thủy nông Nậm Rốm. Khi ấy, toàn bộ hệ thống kênh mương là kênh đất, lại thi công vào những năm 60 nên dòng kênh bị bồi đắp, sạt lở, rong rêu mọc dày đặc. Việc đưa nước xuống khu tưới của các xã cuối kênh rất khó khăn.

Để đảm bảo nước tưới không bị thiếu, công ty đã áp dụng biện pháp tưới luân phiên trong những đợt thời tiết khô hanh, nắng nóng kéo dài như tháng Hai đến tháng Tư. Có khi luân phiên đối với từng đơn vị dùng nước trong một tuyến kênh, đồng thời cho công nhân trực theo ca. Vì vậy cho dù thời tiết khắc nghiệt thì nước tưới vẫn được đảm bảo cho sản xuất.

Đến những năm 2003 thì hệ thông kênh mương được bêtông hóa dần và hoàn thiện.

Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Công ty chia sẻ: "Trước kia, cống đầu kênh và cống xả cát của đập đầu mối hệ thống đại thủy nông Nậm Rốm phải xử lý bằng tay, mỗi lần đóng mở cổng xả thì phải huy động lực lượng từ 10-20 người. Nay đã vận hành bằng điện và chỉ cần một người với thao tác đơn giản."

Hơn 5 thập kỷ trôi qua, ngày nay, đại thủy nông Nậm Rốm - công trình mang đậm dấu ấn sức trẻ lực lượng thanh niên xung phong dẫu có lúc thăng, lúc trầm nhưng ngày đêm vẫn lặng lẽ đưa nước về tưới tiêu cho cánh đồng Mường Thanh, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn Điện Biên.

Đồng bào Điện Biên luôn khắc ghi sự cống hiến, hy sinh của lực lượng thanh niên xung phong tham gia xây dựng công trình thủy nông mang tầm thế kỷ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục