Đắk Lắk: Các công trình thủy điện gây bức xúc cho cộng đồng

Việc xả nước ở các công trình thủy điện tại Đắk Lắk trong mùa khô hạn hiện vẫn chưa đảm bảo dòng chảy ổn định để chống hạn ở vùng hạ du làm ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, việc xả nước ở các công trình thủy điện trên địa bàn trong mùa khô hạn hiện vẫn chưa đảm bảo dòng chảy ổn định để chống hạn ở vùng hạ du làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của đồng bào các dân tộc, đồng thời, cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sạt lở, khô hạn ở một số đoạn sông… gây bức xúc cho cộng đồng dân cư.

Tại Nhà máy thủy điện Sêrêpốk 4A, nằm trên địa bàn huyện Buôn Đôn vẫn còn tình trạng “dòng sông chết” gần 20km trên sông Sêrêpốk, đoạn từ Nhà máy Sêrêpốk 4 thuộc xã Ea Wer đến cửa xả Nhà máy thủy điện Sêrêpốk 4A thuộc xã Krông Na làm ảnh hưởng đến khu du lịch, sinh thái, nguồn lợi thủy sản tại điểm du lịch Buôn Đôn nổi tiếng của Đắk Lắk.

Khi Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah đi vào vận hành, có nhiều đoạn sông vùng hạ du xảy ra tình trạng sạt lở; trong đó, nghiêm trọng nhất là đoạn từ xã Nam Ka đến xã Ea R’Bin (huyện Lắk) vùng hạ lưu thủy điện Buôn Tua Srah đã làm cho đất đai, nhà cửa của một số hộ dân trôi xuống sông.

Hiện nay, nhà máy vẫn chưa xây dựng được phương án để bồi thường thiệt hại do các thửa đất đã mất hiện trạng, các tài liệu đo đạc bản đồ không thể hiện chi tiết từng thửa đất đến từng chủ sử dụng mà chỉ thể hiện dưới dạng đo bao từng khu vực.

Hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chỉ mới có 6 hồ, đập thủy điện thực hiện việc cắm mốc giới bảo vệ đập là Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Sêrêpốk 3, Sêrêpốk 4, Krông Hnăng, Krông Kmar. Còn lại chưa thực hiện đầy đủ các quy định về việc cắm mốc giới xác định hành lang bảo vệ hồ chứa.

Khi xảy ra sạt lở, ngập úng, các nhà máy thủy điện, các doanh nghiệp chưa chủ động khảo sát, lập phương án đền bù, chỉ khi người dân khiếu nại thì nhà máy thủy điện, các doanh nghiệp mới tiến hành khảo sát, kiểm tra thực địa gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống cho người dân.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho biết tỉnh hiện có 26 dự án thủy điện, với tổng công suất 948,41 MW; trong đó có 18 dự án, với tổng công suất 857,51 MW đã đi vào hoạt động, 2 dự án có tổng công suất 33 MW đang xây dựng, các dự án còn lại đang lập hồ sơ, thẩm định thiết kế cơ sở.

Việc xây dựng các nhà máy thủy điện, nhất là các công trình thủy điện lớn đã làm mất đi gần 7.352ha đất nông nghiệp và đất rừng, làm ảnh hưởng đến 8.113 hộ, với khoảng 33.165 khẩu là đồng bào các dân tộc. Diện tích rừng bị mất, trong đó có cả những khu vực vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên đã làm mất đi tính đa dạng sinh học trong khu vực và dẫn đến khô hạn, cạn kiệt nguồn nước hoặc làm gia tăng nguy cơ lũ lụt.

Trước thực trạng trên, tỉnh Đắk Lắk đã đề nghị các doanh nghiệp, nhà máy thủy điện thực hiện xả lưu lượng nước sau các đập thủy điện để đảm bảo môi sinh, môi trường dòng sông, tránh thiếu nước, khô hạn, gây ra hiện tượng "dòng sông chết" ở hạ du vào mùa khô.

Tỉnh cũng đã đề nghị Chính phủ có nghiên cứu ban hành chính sách chia sẻ lợi ích giữa chủ đầu tư, địa phương và nhân dân chịu tác động bởi dự án thủy điện nhằm hỗ trợ, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sản xuất chăm lo đời sống lâu dài của người dân, nhất là đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số chịu tác động bởi các dự án thủy điện. Đồng thời quy định lưu lượng dòng chảy tối thiểu sau các đạp thủy điện đúng theo quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục