Đắk Lắk: Phát hiện 3 voi con hoang dã bị chết đuối

Người dân xã biên giới Ia R’vê (Ea Súp - Đắk Lắk) vừa phát hiện 3 trường hợp voi con hoang dã theo mẹ xuống hồ uống nước bị chết đuối.
Người dân xã biên giới Ia R’vê (Ea Súp - Đắk Lắk) vừa phát hiện 3 trường hợp voi con hoang dã theo mẹ xuống hồ uống nước bị chết đuối. Đây là lần đầu có voi con chết ở Đắk Lắk.

Vào lúc 23 giờ ngày 3/1, người dân trong Thôn 3 (xã Ia R’vê) nghe tiếng voi gầm thét thảm thiết. Người dân đã đốt đuốc chạy về tiếng voi gầm, cách thôn gần 500m. Đến nơi, voi mẹ vừa bỏ đi, 1 voi con nặng 120kg (voi cái) đang chới với dưới vũng nước sâu, một lúc sau thì chết ngạt. Địa điểm voi con chết là hố sâu đầy nước do trước đây một đơn vị giao thông đào đất đắp đường.

Ngày 5/1, một nhóm người dân Thôn 10 lên rẫy sản xuất phát hiện 1 voi con nặng khoảng 200 bị chết dưới suối, xác đang bị phân hủy. Trước đó ngày 31/12/2010, người dân Thôn 5 lên rừng, đã phát hiện 1 voi con nặng khoảng trên 200kg bị chết đuối dưới bàu nước tự nhiên. Những địa điểm voi chết đuối cách khu dân cư trên 2.000m.

Từ tháng 8/2010 đến nay, có một đàn voi rừng khoảng trên 40 con lớn, nhỏ kéo về kiếm ăn tại vùng đất của xã Ia R’vê. Đàn voi này tách thành từng nhóm 5-7 con và 8-9 con kéo vào nương rẫy ăn ngô, sắn, chuối, mía và quần nát hoa màu và các loại cây trồng của người dân trong vùng. Đàn voi về sát khu dân cư và có lúc vào cách nhà dân khoảng 400-500m. Không ít trường hợp voi rừng quần nát hoa màu và làm sập lán trại, chòi canh trên nương rẫy. Nhiều lần, khi đàn voi đến gần khu dân cư, người dân ở đây đốt lửa, đánh cồng chiêng, gõ mỏ xua đuổi voi nhưng chúng đã quen với âm thanh trên nên không sợ.

Do đàn voi đông, lưu trú lâu ngày trong vùng nên người dân đã phát hiện được dấu vết voi rừng sinh con ngay trên nương rẫy.

Vùng đất rộng lớn của xã Ia R’vê trước đây là rừng nguyên sinh rậm rạp, là lãnh địa voi cư trú và sinh sống. Nhưng trong thời gian dài, rừng bị tàn phá để lấy đất sản xuất cây lương thực và cây công nghiệp, không gian sinh sống của voi rừng bị thu hẹp. Với phản xạ tự nhiên, trong những tháng mùa mưa, cây cối xanh tốt, hoa màu phát triển, đàn voi rừng lại trở về vùng này kiếm ăn, gây nên sự tranh chấp gay gắt và đe dọa con người./.

Nguyễn Tiên Tri (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục