Đắk Lắk thiệt hại tới hơn 1.300 tỷ đồng vì khô hạn khốc liệt

Nguồn nước ngầm, nước của nhiều sông suối và hồ chứa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đều cạn kiệt khiến 6.148ha cây trồng của tỉnh mất trắng vì khô cháy, thiệt hại ước tính hơn 1.312 tỷ đồng.
Đắk Lắk thiệt hại tới hơn 1.300 tỷ đồng vì khô hạn khốc liệt ảnh 1Người dân chắt lọc từng giọt nước từ các khe suối, mạch nước ngầm để lấy nước sinh hoạt. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, nguồn nước chống hạn trên địa bàn đang dần cạn kiệt nên diện tích cây trồng bị khô cháy ngày càng tăng lên. Thiệt hại ước tính hơn 1.312 tỷ đồng.

Mực nước các sông trên địa bàn tỉnh duy trì ở mức rất thấp, lượng dòng chảy so với trung bình nhiều năm cùng kỳ thiếu hụt phổ biến từ 60-75%.

Các sông Krông Năng, Ea H’leo và các suối nhỏ trên địa bàn tỉnh không còn dòng chảy, nguồn nước ngầm giảm nhiều, phổ biến thấp hơn cùng kỳ năm 2015 từ 3-7 mét. Thậm chí, một số vùng do khoan giếng để khai thác nước ngầm tầng sâu đã làm cho lượng nước ngầm ở tầng nông giảm mạnh hoặc không còn nước.

Tổng dung tích nước các hồ chứa chỉ còn khoảng 134,6 triệu mét khối, tập trung chủ yếu ở 3 hồ chứa lớn là Ea Súp Thượng (41,6 triệu mét khối nhưng không điều tiết phục vụ tưới cho các vùng bị hạn khác được), Krông Búk Hạ (74,5 triệu mét khối) và Buôn Yong (6,5 triệu mét khối).

Các hồ chứa nhỏ khác đã cạn, trong đó có 168 hồ khô cạn hoàn toàn, tăng 70 hồ so với cùng kỳ năm ngoái.

Đắk Lắk đã lắp đặt các trạm bơm dã chiến để bơm nước từ các sông, suối (sông Krông Ana, Krông Nô, hồ Lắk…) và từ dung tích chết của hồ chứa, xây dựng một số trạm bơm chống hạn ở các vùng ven sông, hỗ trợ đào giếng, khoan giếng để khai thác tận dụng nguồn nước chống hạn.

Tỉnh chỉ đạo ưu tiên nguồn nước phục vụ sinh hoạt, nước uống cho gia súc, gia cầm, nước tưới cho cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như càphê, hồ tiêu (nơi nguồn nước quá khó khăn có thể chỉ tưới cầm chừng để cho cây sống, không chết khô).

Tỉnh cũng khuyến cáo, hướng dẫn đồng bào các dân tộc tưới tiết kiệm nước, chuyển đổi mùa vụ gieo trồng sớm, sử dụng giống cây ngắn ngày, chịu hạn, hoặc chuyển đổi diện tích cây trồng không đảm bảo nguồn nước sang cây trồng cạn. Thực hiện tủ gốc, hoặc phủ màng nilon hạn chế bốc hơi cho các loại cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả…

Hiện, Đắk Lắk đã có trên 42.400ha cây trồng bị khô hạn làm giảm năng suất từ 30-70%, trong đó, mất trắng 6.148ha.

Cụ thể, lúa nước bị khô hạn 6.148ha, trong đó có 1.683ha bị mất trắng, còn lại giảm năng suất từ 40-70%; càphê bị khô hạn làm giảm năng suất từ 30-70% gần 33.000ha, trong đó có 4.431ha bị mất trắng; trên 2.051ha tiêu bị khô hạn làm giảm năng suất hoặc mất trắng…

Hơn 25.136 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, tăng 11.837 hộ so cùng kỳ năm ngoái và tình trạng thiếu nước sinh hoạt xảy ra hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục