Đắk Nông cần quy hoạch sản xuất nông nghiệp gắn thủy lợi

Để đối phó hạn hán về lâu dài, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu Đắk Nông cần rà soát lại quy hoạch sản xuất nông nghiệp gắn quy hoạch thủy lợi.
Đắk Nông cần quy hoạch sản xuất nông nghiệp gắn thủy lợi ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)

Ngày 17/5, Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ trường Cao Đức Phát dẫn đầu kiểm tra công tác phòng, chống và khắc phục hạn hán tại tỉnh Đắk Nông.

Theo báo cáo của tỉnh Đắk Nông, từ cuối năm 2015 đến nay, ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao, độ ẩm không khí thấp khiến dòng chảy các sông suối giảm mạnh. Nhiều sông suối nhỏ ở mức cạn kiệt, trữ lượng nước các hồ thủy lợi hạ thấp. Hạn hán, thiếu nước tưới, nước sinh hoạt đã xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh, nghiêm trọng nhất là các huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song và Đắk G’Long.

Hiện có 35/183 hồ chứa, 2 đập dâng, 1 trạm bơm, 11.000 ao chứa nước nhỏ của các hộ dân cạn kiệt nguồn nước. Hạn hán làm hơn 23.000ha cây trồng, chủ yếu là các loại cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu thiếu nước tưới làm giảm năng suất và sản lượng. Ước thiệt hại do hạn hán khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.

Khô hạn kéo dài cũng làm cho gần 7.750 hộ, với khoảng 36.000 nhân khẩu thiếu nước sinh hoạt. Ở nhiều nơi, các hộ dân phải dùng nguồn nước không hợp vệ sinh hoặc đi mua nước về dùng. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Đắk Nông đã xảy ra 5 trận mưa đá, lốc xoáy gây thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng.

Để ứng phó với tình hình khô hạn, tỉnh Đắk Nông đã triển khai nhiều giải pháp như xây dựng kế hoạch phòng chống hạn hán vụ Đông Xuân và Hè Thu năm 2016 cụ thể cho các địa phương; chỉ đạo Công ty Khai thác Công trình Thủy lợi kiểm tra, gia cố, điều tiết, quản lý chặt chẽ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất; thực hiện ngừng sản xuất 254 ha lúa, chuyển đổi hơn 1.100 ha đất lúa thiếu nước sang trồng ngô, khoai lang; tuyên truyền vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm nguồn nước, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt.

Đồng thời, xây dựng phương án tích trữ nguồn nước ở các hồ chứa, ao hộ gia đình và trên các hệ thống sông suối bằng cách đắp đập tạm, đập bổi; thực hiện hỗ trợ cứu đói, nước sinh hoạt cho nhân dân vùng hạn…

Tại buổi làm việc, tỉnh Đắk Nông kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính phủ xem xét cấp nguồn kinh phí để khắc phục hậu quả của hạn hán; đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, nhất là 4 công trình cấp thiết gồm: đập Đắk Gằn (huyện Cư Jút), hồ Nam Xuân, Đắk Rồ (huyện Krông Nô) và hồ Đắk N’Ting (Đắk G’Long).

Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Nông cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ, đầu tư các dự án để ổn định dân di cư ngoài quy hoạch; hỗ trợ trang thiết bị để quản lý tốt chất lượng nông lâm, thủy sản, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; hỗ trợ tỉnh trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao…

Phát biểu tại buổi làm việc Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Đắk Nông trong ứng phó với tình hình hạn hán diễn ra khốc liệt trong thời gian qua. Để đối phó với tình hình hạn hán có thể lặp lại và ngày gay gắt hơn Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu Đắk Nông cần rà soát lại quy hoạch sản xuất nông nghiệp gắn với quy hoạch phát triển thủy lợi, bảo vệ và phát triển rừng.

Bên cạnh đó, tỉnh cần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp; tiếp tục xây dựng, nâng cấp các hồ chứa nước, đẩy mạnh tưới tiết kiệm.

Ngoài ra, Đắk Nông cũng cần nhanh chóng rà soát, thống kê, hỗ trợ kịp thời các hộ dân bị thiệt hại do hạn hán theo đúng các quy định của Nhà nước; đồng thời cần có giải pháp hỗ trợ để bà con khôi phục sản xuất khi mùa mưa tới.

Về các kiến nghị của tỉnh Đắk Nông, Bộ sẽ rà soát lại và làm việc với các Bộ, ngành liên quan xem xét đưa vào danh mục đầu tư để thực hiện sớm, nhất là việc hỗ trợ địa phương xây dựng các công trình thủy lợi mang tính cấp bách./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục