Đảm bảo an ninh, an toàn là nhiệm vụ hàng đầu của ngành hàng không

Sau khi kiểm tra thực tế tại Cảng Tân Sơn Nhất và Nội Bài, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu ngành hàng không nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bảo đảm an toàn, an ninh hàng không.
Đảm bảo an ninh, an toàn là nhiệm vụ hàng đầu của ngành hàng không ảnh 1Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại khu kiểm tra hành lý tại Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Ngày 3 và 5/12, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng đã có buổi làm việc và kiểm tra thực tế về công tác an ninh-an toàn hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

11 tháng, sản lượng hành khách đạt hơn 19 triệu lượt

Cảng hàng không quốc tế Nội Bài hiện đứng thứ 2 trong cả nước về tần suất chuyến bay và lưu lượng hành khách qua cảng; là sân bay có tần suất lớn nhất trong 22 cảng hàng không cả nước về phục vụ các chuyến bay chuyên cơ, ưu tiên của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các phái đoàn ngoại giao quốc tế.

Trong những năm qua, địa bàn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài được đảm bảo tuyệt đối an toàn; an ninh chính trị được giữ vững. Bên cạnh đó, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã đảm bảo phục vụ tuyệt đối an toàn cho các chuyến bay đi - đến qua Cảng.

Đặc biệt từ đầu năm 2016 đến nay, Cảng đã phối hợp với các đơn vị liên quan phục vụ tốt các chuyên bay chuyên cơ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; chuyên cơ của các Nguyên thủ quốc gia đến thăm Việt Nam; các chuyến bay phục vụ những sự kiện quan trọng của đất nước.

Năm 2016, sản lượng vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa tăng cao so với cùng kỳ năm 2015. Chỉ tính 11 tháng qua, sản lượng hành khách đạt hơn 19 triệu lượt; hàng hóa và bưu kiện đạt 513.522 tấn; cất hạ cánh đạt 127.521 lượt/chuyến. Cùng thời gian này, lực lượng kiểm soát an ninh hàng không Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã phát hiện, ngăn chặn và bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý 58 vụ việc vi phạm các quy định về an ninh hàng không; phát hiện, ngăn chặn hàng nghìn vật phẩm không được phép mang lên tàu bay. Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý 763 vụ việc vi phạm an ninh trật tự trên địa bàn Cảng.

Từ đầu năm 2016 đến nay, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ 7 vụ việc buôn lậu trái phép về ngà voi, vẩy tê tê…; phát hiện, ngăn chặn 9 vụ việc, trong đó có 3 vụ liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…

Trước đó, ngày 3/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã kiểm tra công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Tại buổi kiểm tra, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh, hoạt động hàng không ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội cũng như tình hình sản xuất kinh doanh. Sự cố hàng không nếu xảy ra sẽ gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các lực lượng chức năng cần phối hợp, hỗ trợ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trong việc đầu tư hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển, tránh tình trạng quá tải; đồng thời tăng cường kiểm tra thường xuyên hệ thống đường lăn, an ninh mạng, tình trạng soi chiếu tia lazer, quyết liệt phòng chống buôn lậu nhằm đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn hàng không.

Đối với các kiến nghị, đề xuất của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết.

Đảm bảo an ninh, an toàn là nhiệm vụ hàng đầu của ngành hàng không ảnh 2Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm việc với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Theo ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, năm 2015, sản lượng hành khách đi và đến Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt hơn 26,5 triệu lượt, đạt 113,52% kế hoạch năm. Từ đầu năm 2016 đến ngày 31/10, sản lượng hành khách đạt gần 27 triệu lượt; sản lượng hàng hóa, bưu kiện đạt hơn 385.000 tấn (tăng 8,47% so với cùng kỳ năm 2015). Dự kiến kết thúc năm 2016, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt 32 triệu lượt hành khách, tình trạng quá tải tiếp tục tái diễn và ngày một gia tăng.

Về hệ thống cơ sở hạ tầng, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện có 2 đường hạ cất cánh song song, 13 đường lăn, 52 vị trí đỗ tàu bay. Do tốc độ tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ, lượng tàu bay khai thác vào giờ cao điểm (22 giờ 30-00 giờ 30, 5 giờ 30-7 giờ 30) dẫn đến thiếu vị trí đỗ cho tàu bay (theo quy hoạch đến năm 2020, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cần có 80 vị trí đỗ).

Đối với công tác đảm bảo an ninh hàng không, hiện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thành lập Trung tâm An ninh hàng không với 11 đội nghiệp vụ có tổng cộng 981 nhân viên kiểm soát. Trung tâm An ninh đang khai thác 65 máy chiếu an ninh, 67 thiết bị kim loại cầm tay, 2 thiết bị phát hiện chất nổ…

Trong năm 2016, lực lượng kiểm soát an ninh hàng không Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã đảm bảo an ninh an toàn cho tất cả các chuyến bay đi đến; kiểm tra phát hiện 55.761 trường hợp hành khách mang đồ vật cấm vận chuyển hoặc vận chuyển có điều kiện, trong đó có 90 trường hợp vận chuyển trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ.

Từ đầu năm 2016 đến nay, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất ghi nhận 26 trường hợp vi phạm an toàn tĩnh không (người dân chiếu đèn lazer, tàu bay mô hình…) và 2 trường hợp liên quan đến sự cố an ninh an toàn mạng.

Để nâng cao khả năng khai thác, đảm bảo an toàn, an ninh hàng không, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đề nghị được sớm thành lập Đồn Công an tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nhằm tăng cường công tác đảm bảo an ninh hàng không, an ninh trật tự công cộng, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh; hỗ trợ đào tạo huấn luyện nhằm nâng cao kỹ năng cho lực lượng kiểm soát an ninh hàng không.

Các cơ quan chức năng Nhà nước cần trang bị một số thiết bị kiểm tra soi chiếu, giám sát an ninh hàng không hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu đảm bảo an ninh hàng không.

Ngoài ra, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng kiến nghị giảm áp lực về khai thác quá tải cho sân bay để giảm nguy cơ mất an toàn hàng không; xây dựng thêm đường giao thông kết nối sân bay ra thành phố cũng như điều tiết giờ bay của các hãng hàng không khai thác đi- đến Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Đảm bảo an ninh, an toàn hàng không là nhiệm vụ hàng đầu

Phát biểu kết luận sau khi kiểm tra thực tế tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng không dân dụng Việt Nam trong những năm qua.

Phó Thủ tướng nêu rõ, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành hàng không dân dụng được hoàn thiện.

Công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không đã được quan tâm đúng mức, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng sự phát triển của thị trường và nhu cầu của các hãng hàng không.

Hệ thống kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay đã từng bước được nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa.

Hệ thống quản lý bay Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực; quản lý an toàn, điều hòa, hiệu quả 2 Vùng thông báo bay của Việt Nam là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Hai Cảng hàng không quốc tế Hà Nội và Tân Sơn Nhất vẫn giữ vị trí, vai trò quan trọng đối với hoạt động của ngành hàng không, đảm bảo được sự tăng trưởng cao…

Bộ Quốc phòng đã có nhiều nỗ lực lớn trong việc thực hiện các giải pháp về tổ chức, quản lý vùng trời, sử dụng đất cảng hàng không, sân bay trong thời gian qua, góp phần quan trọng cho sự nghiệp phát triển của ngành hàng không.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, hệ thống bảo đảm an toàn, an ninh hàng không, ứng phó khẩn nguy được hoàn thiện tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế. Ngành hàng không dân dụng vẫn duy trì không để xảy ra tai nạn tàu bay suốt 18 năm qua; không có vụ việc nghiêm trọng về an ninh hàng không uy hiếp an toàn bay.

Bên cạnh đó, ngành hàng không đã phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch hành động trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Các lực lượng liên ngành hàng không, Công an, Hải quan đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển hàng cấm qua đường hàng không…

Phó Thủ tướng đã chỉ rõ những nguy cơ, tồn tại, hạn chế của ngành hàng không trong thời gian qua như thị trường hàng không đang có bước phát triển “nóng” trong khi hệ thống kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay còn hạn chế so với nhu cầu của thị trường.

Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất chiếm 40% lưu lượng hành khách thông qua của toàn bộ mạng cảng hàng không.

Sự tắc nghẽn của Cảng ở khu bay, nhà gà đã gây ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển của thị trường, chất lượng dịch vụ, an toàn, an ninh hàng không, đặc biệt là dịp cao điểm Tết Nguyên đán Đinh Dậu khi các hãng hàng không xây dựng kế hoạch tăng khai thác đến 29% so với lịch bay thường lệ.

Hiện tượng chiếu tia lazer gây uy hiếp an toàn bay xảy ra liên tục trong một thời gian. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỷ luật lao động của một số nhân viên kiểm soát an ninh hàng không, đặc biệt nhân viên soi chiếu còn hạn chế, thiếu chuyên nghiệp.

Tình trạng nhân viên hàng không buôn lậu, tiếp tay buôn lậu, nợ nần tiếp tục diễn ra. Tác phong ứng xử của một số nhân viên hàng không gây bức xúc cho hành khách…

Phương hướng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu ngành hàng không tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn, an ninh hàng không, coi đó là nhiệm vụ hàng đầu, yếu tố sống còn đối với sự phát triển bền vững của ngành hàng không; có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, gắn liền với quốc phòng, an ninh quốc gia.

Ngành hàng không tiếp tục xây dựng và thực hiện văn hóa an toàn hàng không một cách sâu rộng trong ngành hàng không và xã hội, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp của ngành hàng không; không thỏa hiệp về vấn đề an toàn, an ninh hàng không vì bất kỳ lý do gì.

Bên cạnh đó, ngành hàng không tập trung huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay, đáp ứng yêu cầu thị trường. Ngành hàng không cần quyết liệt triển khai chiến lược tái cơ cấu, phát triển hài hòa, đồng bộ các phương thức vận tải; điều tiết thị trường hàng không, đảm bảo phát triển bền vững trên cơ sở kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng...

Đối với việc phục vụ cao điểm Tết Nguyên đán Đinh Dậu, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát tổng thể năng lực phục vụ, trên cơ sở cân đối với các loại hình vận tải khác để điều tiết lịch bay hợp lý nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh hàng không; duy trì chất lượng dịch vụ hàng không, đặc biệt là tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục