Đảm bảo an toàn hàng hải vùng cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh

Từ đầu năm đến nay, Cảng vụ Hàng hải TP.HCM đã tiến hành kiểm tra hệ thống báo hiệu hàng hải trên các tuyến luồng, điều kiện an toàn của các bến cảng.
Đảm bảo an toàn hàng hải vùng cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 1Nạo vét luồng Soài Rạp. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Cục trưởng cục Hàng hải Việt Nam thuộc Bộ Giao thông Vận tải kiêm Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong 10 tháng qua, số vụ tai nạn xảy ra trong vùng cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh không tăng so với năm ngoái.

Để phòng ngừa, kéo giảm các vụ tai nạn xảy ra trong vùng nước cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, Cảng vụ Hàng hải Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp; trong đó có công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về hàng hải và đường thủy nội địa đến các đối tượng quản lý trong vùng nước cảng biển do Cảng vụ quản lý như quy tắc tránh va, hướng dẫn xử lý khi gặp tai nạn, hệ thống báo hiệu hàng hải, hoạt động đóng đáy…

Cảng vụ đã tiến hành kiểm tra hệ thống báo hiệu hàng hải trên các tuyến luồng, điều kiện an toàn của các bến cảng; chuyển dần các cảng ra ngoài khu Hiệp Phước, quy hoạch lại các bến phao theo hướng đưa các bến phao ra ngoài sông Soài Rạp, nơi có bề rộng sông lớn. Đồng thời, Cảng cũng phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động của các bến thủy nội địa, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng, đò ngang, đáy cá… trong vùng nước cảng biển.

Sau khi luồng Soài Rạp được nạo vét và đưa vào sử dụng, Cảng vụ đã tổ chức phân luồng hàng hải, khuyến khích các tàu sử dụng luồng này để giảm tải cho luồng Sài Gòn-Vũng Tàu. Khi đó, lưu lượng tàu thuyền ra vào cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được phân bố tương đối đều giữa luồng Soài Rạp và luồng Sài Gòn-Vũng Tàu; mật độ tàu thuyền sẽ được giảm xuống, qua đó giảm nguy cơ tai nạn, đặc biệt là tai nạn đâm va giữa các tàu thuyền.

Cảng vụ cũng đang sử dụng và khai thác hệ thống trợ giúp hành hải luồng Sài Gòn-Vũng Tàu (VTS) nhằm giảm thiểu tai nạn thông qua việc cung cấp thông tin cho các hoa tiêu dẫn tàu, thuyền trưởng các tàu hành trình trên tuyến về tình hình giao thông trên luồng, cầu cảng, bến phao và những cảnh báo khác có liên quan đến việc điều động tàu trên luồng, không để xảy ra tai nạn.

Theo ông Nguyễn Đình Việt, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn hàng hải cũng đã gặp nhiều thách thức như việc phải quản lý một vùng nước, cảng biển rộng lớn với lượng tàu thuyền hoạt động nhiều nhất cả nước; trong đó có hơn 200km luồng, nhiều khu vực nằm xa trụ sở Cảng vụ như Thiềng Liềng, Cần Giờ, sông Đồng Tranh nên khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát.

Bên cạnh đó, việc chậm di dời các cảng biển theo quy hoạch, tình trạng các bến phao trong vùng nước cảng biển thành phố không có quy hoạch chi tiết, các quy định về duy tu, bảo dưỡng bến phao chưa rõ ràng cũng gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra và giám sát.

Hiện nay vẫn còn tồn tại hiện tượng một số thuyền trưởng, thuyền viên và người điều khiển tàu thuyền, đặc biệt là đối với phương tiện thủy nội địa, sử dụng bằng cấp giả mạo, chưa nghiêm chỉnh chấp hành quy định khi điều khiển tàu thuyền hoạt động trong vùng nước cảng biển nên đã để xảy ra tai nạn.

Các tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa hiện nay không bắt buộc phải trang bị thiết bị tự động nhận dạng (AIS), các sà lan có trọng tải lớn không yêu cầu phải trang bị VHF (bộ đàm cầm tay) nên khó khăn cho các Cảng vụ trong việc kiểm tra, giám sát, cũng như tìm kiếm cứu nạn khi xảy ra tai nạn.

Để đảm bảo an toàn hàng hải, Cảng vụ Hàng hải Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Quốc hội sớm ban hành Bộ luật Hàng hải; Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp cảng trong việc di dời cảng biển.

Bên cạnh đó, Cảng vụ Hàng hải cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cần quy định bắt buộc tàu biển Việt Nam từ 300GT trở lên phải trang bị thiết bị tự động nhận dạng (AIS), phương tiện thủy nội địa có trọng tải từ 300T trở lên phải trang bị VHF.

Ngoài ra, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cần sớm xây dựng cơ sở dữ liệu bằng cấp phương tiện thủy nội địa để thuận tiện cho công tác tra cứu, kiểm tra của các cảng vụ hàng hải.

Liên quan đến công tác tăng cường đảm bảo an toàn hàng hải những tháng cuối năm 2015, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa yêu cầu Sở Giao thông Vận tải, Ủy ban Nhân dân các quận huyện tổ chức tuần tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh tại các bến đò ngang, đò dọc và các phương tiện vận tải hành khách lưu thông trên sông, kênh, rạch; đảm bảo an tuyệt đối an toàn khi tham gia giao thông đường thủy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục