Đàm phán chủ nợ, Hy Lạp cam kết thúc đẩy cải cách

Đàm phán với "bộ ba" chủ nợ quốc tế gồm EU, IMF, ECB, Thủ tướng Hy Lạp cam kết chính phủ liên minh của ông sẽ tăng cường cải cách cơ cấu.
Trong cuộc đàm phán với nhóm "bộ ba" chủ nợ quốc tế (gồm Liên minh châu Âu - EU, Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB) diễn ra tại Aten, Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras cam kết chính phủ liên minh của ông sẽ tăng cường cải cách cơ cấu và xúc tiến chương trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng nợ kéo dài suốt 5 năm qua tại nước này.

Theo nguồn tin từ chính phủ và các hãng truyền thông trong nước, tại cuộc họp, ông Samaras đề xuất kéo dài "tiến trình điều chỉnh tài chính" 2 năm nhằm giảm nhẹ gánh nặng suy thoái cho người dân Hy Lạp.

Ông Samaras nhấn mạnh quyết tâm của chính phủ thực thi hiệu quả hơn việc điều chỉnh tài chính cũng như thúc đẩy chương trình cải cách cơ cấu nhằm đạt các mục hiêu phục hồi kinh tế, tạo việc làm và liên kết xã hội an toàn.

Tuy nhiên, đại diện cho Chính phủ Hy Lạp, ông Samaras đã đưa ra nhiều lý lẽ đề nghị các đối tác xem xét lại một số điều kiện được coi là quá "khắt khe" để nhận được 2 gói cứu trợ trị giá 210 tỷ euro từ các định chế tài chính trên.

Thay vì việc sa thải ồ ạt nhân viên trong khu vực nhà nước, ông Samaras đề xuất bãi bỏ một số cơ quan công quyền nhằm tiết kiệm chi phí cũng như cắt giảm thâm hụt ngân sách và giảm dần số việc làm dân sự nhằm tránh để tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao kỷ lục.

Ngoài đề xuất trên, ông Samaras cũng kêu gọi xem xét lại kế hoạch tăng thuế và cắt giảm lương tại khu vực tư nhân, đồng thời hỗ trợ nhiều hơn cho những người thất nghiệp bị tác động của cuộc khủng hoảng nợ tại nước này.

Đổi lại ông Samaras và các đối tác trong chính phủ liên minh đề xuất một số chính sách đưa nền kinh tế nhanh chóng trở về quỹ đạo nhằm cải thiện môi trường đầu tư và thực thi ngay lập tức kế hoạch cổ phần hóa đang được coi là chậm trễ hiện nay.

Mặc dù vậy, tân Bộ trưởng Kinh tế Hy Lạp Yanis Stournaras, người vừa đảm nhận trọng trách quan trọng này một ngày trước đó, cảnh báo kế hoạch phục hồi kinh tế của Hy Lạp trên thực tế đang bị "chệch hướng" trong một số lĩnh vực và những năm khó khăn vẫn đang ở phía trước Hy Lạp.

Ông cho rằng vẫn có "ánh sáng phía cuối đường hầm" cho nền kinh tế Hy Lạp, song vấn đề là chính phủ và người dân phải kiên nhẫn.

Trong khi đó, liên quan đến kế hoạch cứu nguy cho nền kinh tế "xứ sở sương mù", ngày 5/7, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tuyên bố sẽ bơm thêm 50 tỷ bảng trong vòng bốn tháng tới thông qua chương trình nới lỏng định lượng để hỗ trợ kinh tế Anh.

Ngoài việc giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục (0,5%) từ hơn ba năm qua, quyết định không nằm ngoài dự đoán của BoE đã nâng số tiền mà ngân hàng trung ương bơm vào thị trường Anh để kích thích kinh tế kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đến nay lên đến 375 tỷ bảng.

Theo BoE, kinh tế Anh hiện đang trong giai đoạn suy thoái, hầu như không tăng trưởng trong một năm rưỡi qua. Thêm vào đó, tăng trưởng ở các thị trường xuất khẩu cũng rất chậm do ảnh hưởng của nợ công ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

BoE cho rằng nếu không có sự gia tăng trong nới lỏng định lượng thì sẽ có nguy cơ lạm phát giảm xuống thấp hơn mục tiêu đề ra là 2%. Cho đến nay kinh tế Anh đã không có dấu hiệu phục hồi thực sự.

Một loạt các cuộc điều tra công bố tuần này cho thấy cả lĩnh vực sản xuất và xây dựng đã tăng trưởng âm trong tháng 6, trong khi tăng trưởng của ngành dịch vụ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 8 tháng qua. Những số liệu thống kê mới nhất cho thấy kinh tế Anh bị tăng trưởng âm 0,4% trong quí IV/2011 và âm 0,3% trong quí I năm nay.

Tháng trước, BoE đã công bố hai biện pháp kích thích kinh tế mới, theo đó cho phép các ngân hàng tiếp cận với hàng chục tỷ bảng tín dụng để cho các doanh nghiệp vay và các ngân hàng được hỗ trợ tiền mặt giúp đối phó với những khó khăn về việc vay vốn trong ngắn hạn. Các nhà phân tích dự đoán BoE có thể sẽ tiếp tục đưa thêm nhiều biện pháp nữa để kích thích nền kinh tế tăng trưởng.

Cùng ngày, Cơ quan Quản lý Ngân khố quốc gia (NTMA) của Ireland thông báo đã thành công trong việc huy động 500 triệu euro trong vụ bán đấu giá trái phiếu chính phủ kỳ hạn 3 tháng. Đây là lần đầu tiên NTMA huy động tiền tại các thị trường kể từ tháng 9/2010, thời điểm nước này rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính khiến phải cầu viện cứu trợ từ nước ngoài.

Bộ trưởng Tài chính Ireland Michael Noonan khẳng định đây là "dấu mốc rất quan trọng" trong tiến trình phục hồi kinh tế của nước này.

Chính phủ Italy đêm 5/7 cũng nhất trí về một loạt giải pháp nhằm cắt giảm 26 tỷ euro (32 tỷ USD) chi tiêu công trong vòng ba năm, trong đó có kế hoạch cắt giảm một lượng lớn tiền lương.

Thủ tướng Italy Mario Monti tuyên bố: "Theo biện pháp này, các mức tiết kiệm sẽ là 4,5 tỷ euro trong năm 2012; 10,5 tỷ euro trong năm 2013 và 11 tỷ euro trong năm 2014". Phần lớn số tiền cắt giảm sẽ nằm trong ngân sách y tế và hành chính công.

Thứ trưởng Bộ Kinh tế Italy Vittorio Grilli cho biết các biện pháp trên sẽ dẫn tới việc giảm 20% số lượng nhân viên quản lý trong lĩnh vực công cộng và 10% lao động bình thường./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục