Đàm phán gửi hàng cứu trợ tới các vùng ở Iraq do IS kiểm soát

Liên hợp quốc đang đẩy mạnh nỗ lực thương lượng với các bên liên quan về hỗ trợ hơn nữa công tác nhân đạo cho người dân Iraq sống tại các khu vực do tổ chức IS chiếm đóng.
Đàm phán gửi hàng cứu trợ tới các vùng ở Iraq do IS kiểm soát ảnh 1 Các gia đình Iraq rời bỏ nhà cửa do bạo lực tới một trạm kiểm soát ở Aski kalak. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Liên hợp quốc đang đẩy mạnh nỗ lực thương lượng với các bên liên quan - trong và ngoài lãnh thổ Iraq - về hỗ trợ hơn nữa công tác nhân đạo trong bối cảnh người dân sống tại các khu vực do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm đóng đang đối mặt với khủng hoảng nhân đạo trầm trọng.

Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, điều phối viên phụ trách viện trợ khẩn cấp của Liên hợp quốc, bà Valerie Amos, cảnh báo người dân Iraq sống dưới chế độ hà khắc của nhóm thánh chiến IS sẽ ngày càng bị cô lập, thiếu thông tin, thiếu lương thực, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác trầm trọng trong khi các chuyến hàng viện trợ lại khó tiếp cận những "vùng cấm" này do an ninh bất ổn.

Giới chức Liên hợp quốc chỉ rõ ngoài những thiếu thốn về thực phẩm, nước sạch và dịch vụ y tế, người dân Iraq, đặc biệt là phụ nữ và các bé gái, còn phải đối mặt với nạn bạo lực tình dục, mua bán nô lệ và những hành vi tàn bạo, gây tổn thương tâm lý.

Quan chức Liên hợp quốc cho hay trước tình hình này, các nhân viên Liên hợp quốc đang nỗ lực mở rộng phạm vi tiếp cận hàng cứu trợ cho người dân sống tại vùng lãnh thổ do IS kiểm soát thông qua một nhóm nhân viên cứu trợ và các chuyên gia thương lượng.

Bà Amos nhấn mạnh khủng hoảng nhân đạo tại những khu vực này sẽ được giải quyết một khi có sự hỗ trợ của các nước thành viên chủ chốt của Liên hợp quốc và một số nhân vật có tầm ảnh hưởng trong khu vực.

Chỉ hai tháng sau khi các tay súng IS chiếm giữ vùng lãnh thổ rộng lớn, trong đó có Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq, Liên hợp quốc đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở mức 3 - mức cao nhất, cho thấy khủng hoảng tình trạng nhân đạo tồi tệ trên diện rộng.

Theo thống kê của Văn phòng Điều phối về các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), các cuộc xung đột đã khiến khoảng 7 triệu người, tương đương 20% dân số Iraq, không thể tiếp cận với các dịch vụ y tế, nước sạch và một số dịch vụ khác.

Bên cạnh giải pháp cho tình hình nhân đạo, chiến sự leo thang tại Iraq cũng là chủ đề khiến giới chức Liên hợp quốc đau đầu. Trong cuộc họp lần này, đặc phái viên của Liên hợp quốc về Iraq Jan Kubis khẳng định một giải pháp quân sự để đánh bại IS tại Iraq là chưa đủ, mà cần có sự nỗ lực của chính quyền Baghdad nhằm vực dậy trách nhiệm dân sự về an ninh.

Ông Kubis nhấn mạnh Chính phủ Iraq cần coi biện pháp này là một ưu tiên, theo đó, chủ trưởng khôi phục trách nhiệm dân sự về an ninh cũng như luật pháp tại các khu vực đã được giải phóng khỏi IS.

Ông Kubis cũng kêu gọi cộng động quốc tế tiếp tục hỗ trợ Iraq về mọi mặt như vật tư, tài chính, chính trị trong dài hạn trong tiến trình tái thiết đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục