Đàm phán tái thống nhất Cộng hòa Cyprus kết thúc trong bế tắc

Cuộc đàm phán giữa các lãnh đạo hai cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ và người Cyprus gốc Hy Lạp nhằm chấm dứt chia cắt trên hòn đảo này đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận cụ thể nào.
Đàm phán tái thống nhất Cộng hòa Cyprus kết thúc trong bế tắc ảnh 1Tổng thống Cyprus Nicos Anastasiades (phải) và Đặc phái viên Liên hợp quốc về tái thống nhất đảo Cyprus Espen Barth Eide (trái) tại một cuộc họp ở Nicosia. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Ngày 17/5, Tổng thống Cộng hòa Cyprus Nicos Anastasiades thông báo cuộc đàm phán giữa các lãnh đạo hai cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ và người Cyprus gốc Hy Lạp nhằm tìm giải pháp chấm dứt chia cắt trên hòn đảo này đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận cụ thể nào.

Phát biểu sau cuộc họp với lãnh đạo cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Akinci, Tổng thống Anastasiades - đại diện cộng đồng người Cyprus gốc Hy Lạp - cho biết hai bên đã bước đầu thống nhất về một đề xuất chung có thể dẫn tới đối thoại thực chất và tìm ra giải pháp cho tình hình chia rẽ hiện tại, song chưa đạt được thỏa thuận cụ thể nào.

Ông Anastasiades cũng cho biết Đặc phái viên Liên hợp quốc về tái thống nhất đảo Cyprus, ông Espen Barth Eide trong những giờ tới sẽ xem xét có thể tổ chức một cuộc họp nữa giữa hai bên hay không. Trước đó, người phát ngôn Liên hợp quốc tại Cyprus cho biết nỗ lực ngoại giao con thoi của ông Eide sẽ không kéo dài quá 24 giờ vì theo kế hoạch ông này sẽ rời Cyprus vào ngày 18/5.

Cũng tại cuộc gặp trên, ông Anastasiades và ông Akinci đã thảo luận về khả năng triệu tập thêm một hội nghị quốc tế về vấn đề ở Cyprus sau thất bại của một hội nghị tương tự hồi tháng 11 năm ngoái tại Geneva.

Cùng ngày, Tổng thư ký Liên hợp quốc phát biểu tại Strasbourg cho biết Liên hợp quốc sẵn sàng tạo điều kiện để tổ chức một hội thảo khác tại Geneva về vấn đề này nếu hai bên thấy cần thiết.


[Liên hợp quốc lạc quan sau đàm phán về tái thống nhất đảo Cyprus]

Đảo Cyprus bị chia cắt sau cuộc đảo chính của những người Cyprus gốc Hy Lạp vào năm 1974 dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân chiếm nửa phía Bắc của hòn đảo này và hậu thuẫn thành lập "Cộng hòa miền Bắc đảo Cyprus."

Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế chỉ công nhận Cộng hòa Cyprus do người gốc Hy Lạp quản lý. Liên hợp quốc đã nhiều lần tổ chức các cuộc đàm phán giữa hai cộng đồng để tìm ra giải pháp thống nhất hòn đảo phía đông Địa Trung Hải này song chưa đạt được kết quả.

Nỗ lực thống nhất Cyprus sẽ còn là vấn đề tốn nhiều thời gian nhất là khi các công ty năng lượng quốc tế thông báo đã lên kế hoạch khoan thăm dò tại nhiều địa điểm ở Cyprus trong mùa Hè này nhằm tìm kiếm các mỏ Hydrocarbon.

Kế hoạch để các công ty nước ngoài khai thác nhiên liệu đã được Chính phủ Cyprus thông qua bất chấp sự phản đối kịch liệt của cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục