Dân tộc vùng cao đón Xuân với trò chơi truyền thống

Dịp Tết đến, Xuân về, đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu mừng vui trong những lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa vùng cao.
Mỗi độ Tết đến Xuân về, hoa đào, hoa mận nở bung khắp núi rừng. Những hạt mưa Xuân lất phất hòa cùng tiết trời se lạnh là lúc đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu mừng vui trong những lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa vùng cao.

Có dịp góp mặt trong ngày hội Xòe chiêng tại xã Phúc Than, huyện Than Uyên, chúng tôi như được hòa mình vào không khí náo nhiệt của niềm vui với nhiều hoạt động thể thao dân tộc. Những chàng trai, cô gái với quần áo truyền thống sặc sỡ ở khắp các bản xung quanh nườm nượp đến góp vui. Tiếng trống, tiếng chiêng xen lẫn những ca khúc mừng Đảng, mừng Xuân mang đậm nhịp điệu vùng cao rộn vang khắp vùng. Những thiếu nữ ánh mắt lúng liếng, thẹn thùng như nụ hoa rừng chớm nở.

Diện trên mình bộ áo cóm, một trang phục truyền thống của dân tộc Thái, chị Lù Thị Thín sống ở bản Nà Phát, xã Phúc Than phấn khởi cho biết có lẽ năm nay được mùa nên bà con ăn tết to, đến lễ hội cũng đông hơn, không khí thật sự rất sôi động.

Đẩy gậy, một trong những trò chơi thu hút nhiều người xem và cổ vũ nhiệt tình nhất. Nhiều vận động viên tuy tuổi đời khá cao nhưng kinh nghiệm đầy mình, tham gia trò này cũng khiến các đối thủ là thanh niên phải dè chừng. Nhiều người cho rằng, đẩy gậy là trò chơi đòi hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật cao, sức khỏe chỉ là yếu tố phụ. Chính vì thế mà trò chơi này luôn thu hút nhiều người đến xem.

Ném pao là trò chơi truyền thống không thể thiếu của đồng bào dân tộc trong những dịp lễ tết. Quả pao được làm từ vải. Pao tức là giữ lại, xích lại với nhau nên các cô gái thường ném quả pao vào người mình thích. Theo nhiều người, ném pao không đơn thuần là trò chơi mà đây là dịp để các chàng trai, cô gái gửi một lời hẹn ước. Các chàng trai, cô gái nào thương mến nhau thì gửi quả pao cho nhau để có cớ đến nhà làm quen, bày tỏ tình cảm, bắt đầu một mối tình. Và nếu không gặp người mình mến thì các cô gái có thể tự ném cho nhau để trao đổi kinh nghiệm thêu thùa, khâu vá.

Chị Vàng Thị Riêng, dân tộc Mông đến ngày hội với ý định đi chơi nhưng hơn thế, chị đã tìm cho mình một người bạn tình ưng ý.

Chiếc khèn đã gắn liền với cuộc sống của bà con dân tộc vùng cao, đặc biệt là dân tộc Mông. Để góp vui trong ngày hội, những người thợ khèn trong trang phục truyền thống đến biểu diễn với mong muốn góp vui, truyền dạy cho lớp trẻ học hỏi và hơn nữa là quảng bá nét văn hóa của dân tộc mình. Những điệu múa khèn trong ngày Xuân như làm tan đi cái lạnh giá của miền viễn biên.

Trong không gian Xuân, các chàng trai thổi khèn, đánh tù lu để thể hiện tài năng trước các cô gái. Bên cạnh những trò chơi dân gian như kéo co, chơi cù,… là những bài hát giao duyên được các cô gái thể hiện làm say đắm lòng người. Không ai bảo ai, nghe tiếng trống, tiếng chiêng thôi thúc mà lòng người tự bước tìm hướng vòng xòe. Con trai, con gái tay trong tay tạo vòng xòe tưng bừng, náo nhiệt, đẹp mắt đến lạ thường. Tiếng trống, tiếng chiêng hòa chung cùng vòng xòe lung linh như gửi gắm trong đó bao ước mơ về một năm được mùa hơn, ấm no và sung túc hơn.

Với người dân tộc thiểu số, giá trị văn hóa cổ truyền dường như không bao giờ phai nhạt trong tâm thức của họ. Những hoạt động văn hóa thể thao, các trò chơi dân gian bản địa truyền thống của người dân vùng Tây Bắc hùng vĩ sẽ tiếp tục được bảo tồn, phát huy và tôn vinh, góp phần thắt chặt tình cảm gắn bó keo sơn các dân tộc thiểu số anh em./.

Quang Duy (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục