Đánh giá tác động của văn hóa rượu, bia khi xây dựng luật

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần nhìn nhận lại tác động và giá trị, ý nghĩa kinh tế, văn hóa của rượu, bia trong đời sống khi xây dựng Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia.
Đánh giá tác động của văn hóa rượu, bia khi xây dựng luật ảnh 1Tài liệu tuyên truyền "Đã uống rượu bia thì không lái xe, không điều khiển ôtô, xe máy." Ảnh minh họa. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Cần nhìn nhận lại những tác động cũng như giá trị, ý nghĩa kinh tế, văn hóa của rượu, bia trong đời sống khi xây dựng Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia. Đây là nội dung được nhiều đại biểu nêu ra sau khi Bộ Y tế trình bày báo cáo Chương trình xây dựng pháp luật về y tế năm 2018 tại Phiên họp toàn thể thứ 6, Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội, ngày 28/4.

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết Việt Nam là nước có mức tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân đứng hàng đầu thế giới và liên tục gia tăng.

Rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh của hơn 30 mã bệnh tật,̀ là nguyên nhân cấu thành của 200 mã bệnh khác; là nguyên nhân đứng hàng thứ 5 trong 10 nguyên nhân cao nhất dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới. Ngoài tác động đến sức khỏe, lạm dụng rượu, bia còn là căn nguyên của các vấn đề như bạo lực cá nhân, mất trật tự an toàn xã hội…, là một trong ba nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn giao thông tại Việt Nam.

Do đó, Bộ Y tế đã xây dựng Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia với những điều khoản bắt buộc như: cấm cán bộ công chức, viên chức, người lao động sử dụng rượu, bia ngay trong giờ làm việc hoặc trong thời gian nghỉ giữa ca; cấm người điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu, bia; không được uống rượu, bia tại các cơ sở y tế, giáo dục, vui chơi, giải trí dành cho trẻ em; cấm người dưới 18 tuổi, phụ nữ mang thai sử dụng rượu, bia; không bán bia, rượu tại quán karaoke cho người dưới 18 tuổi, không bán tại các máy bán hàng tự động; nghiêm cấm quảng cáo, giới thiệu sản phẩm dưới mọi hình thức và tiến tới giảm sản lượng rượu...

[Lạm dụng rượu bia là một trong những nguyên nhân gây ung thư]

Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, chưa công bằng khi nhìn nhận về rượu, bia bởi uống rượu, bia đã là văn hóa của người Việt Nam từ bao đời. Việt Nam đã có các làng nghề rượu truyền thống nổi tiếng. Do đó, Luật cần nói rõ là phòng chống lạm dụng, phòng chống rượu giả, rượu độc…

Đồng tình với quan điểm này, một số đại biểu khác cho rằng, bản thân rượu, bia không có hại mà chỉ có hại khi con người lạm dụng nó mà thôi. Do vậy, Luật cần quy định rõ uống như thế nào và uống vào thời điểm nào. Bên cạnh đó, Luật cần đánh giá những tác động đến đời sống văn hóa, xã hội, tác động đến công việc, sinh kế của người dân, đặc biệt là ở các làng nghề rượu truyền thống và kinh tế các địa phương có nhà máy sản xuất rượu, bia.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, từ lâu Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo những tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người, do đó cần phải có Luật nhằm kiểm soát tình trạng lạm dụng vào rượu, bia. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhấn mạnh, sức khỏe của con người là quan trọng nhất, do đó không nên đặt nặng lợi nhuận mà rượu, bia mang lại.

Cùng với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Bộ Y tế cũng trình bày và nhận được nhiều ý kiến đóng góp về Luật Dân số với các quy định duy trì mức sinh thay thế và quy định về số con; quy định về phá thai an toàn; quy định để khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, giảm thiểu mất cân bằng giới tính; quy định về tầm soát bệnh tật bẩm sinh để nâng cao chất lượng dân số…

Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội ghi nhận nỗ lực của Bộ Y tế trong việc xây dựng hai luật này trong thời gian qua. Theo dự kiến, Luật Dân số sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến trong Kỳ họp thứ 5 và thông qua vào Kỳ họp thứ 6. Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ được trình cho ý kiến trong Kỳ họp thứ 6 và phê duyệt trong Kỳ họp thứ 7.

Từ nay đến thời điểm trình Quốc hội, Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động bởi hai luật này.

“Quan điểm của Ủy ban là vì lợi ích của người dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết nhưng cũng phải đảm bảo tính khả thi của luật,” bà Nguyễn Thúy Anh khẳng định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục