Danh hài Minh Vượng "vừa đá bóng, vừa thổi còi"

Danh hài Minh Vượng: "vừa đá bóng, vừa thổi còi"

Danh hài Minh Vượng tâm sự rằng sau bao năm làm hài chị vẫn tự viết hài để diễn lấy, việc làm này giống như "vừa đá bóng, vừa thổi còi".
Vài chi tiết khiến tôi không khỏi vương vấn từ lúc bước ra khỏi nhà nghệ sĩ ưu tú, danh hài Minh Vượng, như chiếc cup 82-93 màu đỏ đã có “niên đại” gần hai chục năm gắn bó với chị, hay ngạc nhiên hơn là bộ sưu tập nước hoa hàng “khủng” lại thuộc sở hữu của người nghệ sĩ có vẻ ngoài bụi bặm, hầm hố, mà đơn giản chỉ vì “chị thích”.

Tuy nhiên, đó chỉ là một vài nét chấm phá về con người nghệ sĩ ưu tú Minh Vượng. Tiếp xúc với chị, mới hay chị là một nghệ sĩ sống rất nội tâm chứ không "khơi khơi" như hài, một "bà Vượng" mà sức khỏe chưa đủ đầy nhưng vẫn sẵn sàng quên hết để diễn cho... trẻ em!

Tôi thích sự lặng lẽ

Có cảm giác như khi rời ánh đèn sân khấu, trút mình khỏi những bộ đồ xanh đỏ tím vàng, hay thoát khỏi những vai diễn chao chát, đành hanh… chị lại là người phụ nữ lặng lẽ…


Minh Vượng: Đúng là trong cuộc sống tôi thích ngăn nắp, thích lặng lẽ. Tôi không thể chịu đựng nổi sự tổn thương, khi trót nặng lời với ai rồi về mình còn dằn vặt hơn. Nhiều khi còn có cảm giác mới bị cạnh khóe xa xa thôi nhưng đã thấy lòng đau...

Chính vì không làm được điều ác bao giờ nên toàn nhận phần thua thiệt về mình. Tôi vẫn thích câu của ông bà mình “tiên trách kỷ hậu trách nhân”. Ví dụ như đi qua em mà em không cười, mặc dù tôi cười với em trước thì về thể nào tôi cũng dằn vặt, mình có lỗi gì đâu mà nay nó chả chào mình.

Và còn “chung tình” nữa chứ, khi gần hai chục năm trời khán giả vẫn thấy Minh Vượng cưỡi trên con "đê đê" đỏ kia?


Minh Vượng: Không phải đê-đê mà là cup 83-93 đấy nhé. Cái xe đỏ này gắn bó với tôi suốt từ năm 1994 và có tình nghĩa với nhau lắm. Tôi nghĩ xe cũng như người, mình đối xử với nó tốt thì lúc mình mải chạy “sô” nó sẽ không hỏng dọc đường. Hồi đó tôi mua xe hết 80 nghìn xong, Tết tôi chẳng dám đến nhà ai vì sợ không có tiền mừng tuổi.

Hẳn "nội công" phải  "thâm hậu” lắm chị mới có thể diễn hài một cách duyên dáng suốt chừng ấy năm trên sân khấu?

Minh Vượng: “Thâm hậu” gì đâu em. Tôi là một người khó tính. Ngày xưa là học sinh giỏi văn của thành phố Hà Nội, tôi khó tính trong từng dấu chấm, dấu phẩy. Cho đến bây giờ, bao năm làm hài tôi vẫn tự viết hài để diễn lấy, thôi thì mình "vừa đá bóng, vừa thổi còi".

Tôi cũng chẳng muốn như vậy đâu nhưng mời người viết kịch bản thì các anh chị bảo cười năm phút đã khó rồi, viết cho mày diễn nửa tiếng thì cũng mệt mỏi, mà biết lấy bao nhiêu tiền.

Nói thật với em, từ khoảng ba năm nay lòng tôi cũng nản. Tôi cảm nhận khi mình bỏ tâm sức ra sáng tác một kịch bản mang tính thẩm mỹ, giáo dục cao cho người xem nhưng chưa được đáp lại một cách thỏa đáng.

Thế nên mấy năm gần đây tôi cũng phải chọn chương trình để làm. Nếu có 10 “sô” cũng chỉ làm 1-2 “sô” có đối tượng phục vụ mà tôi cảm thấy có thể mang tâm sức ra đem tiếng cười đến cho họ. Nhưng riêng những chương trình dành cho trẻ em thì ới cái là tôi đi ngay. Mà đúng như người ta nói đấy, mình thiếu cái gì sẽ thèm cái đó.

Thiên chức của người đàn bà là được làm vợ làm mẹ, trong khi tôi thì cứ mải diễn. Nhưng vì bệnh tật đã không cho tôi một gia đình nên tôi tự nhủ thôi thì đợi đến kiếp sau sẽ đẻ liền mấy đứa con cho sướng… Nói đến trẻ con thì chẳng bao giờ cho hết chuyện.

Cứ cho đi rồi sẽ nhận được nhiều hơn…

Trên đỉnh cao hài kịch sẽ gặp bi kịch, chị từng nói thế. Và, điều đó đã vận vào đời sống của những nghệ sĩ hài như chị thế nào?


Minh Vượng:
Đúng là nó đã vận vào tôi, rồi như anh Xuân Hinh chẳng hạn. Cứ tưởng anh cười nói tếu táo nhưng lại là người sống rất có tình có nghĩa với bạn bè và gia đình. Còn những người như tôi, người ta cứ nghĩ là trên sân khấu ăn sóng nói gió, chao chát và ngoa ngôn thì ngoài đời sẽ hồ đồ lắm, nhưng đã gặp Minh Vượng rồi thì lại nhận xét Minh Vượng là người ăn nói rất văn hoa, sống nặng về nội tâm.

Mà tôi vốn kiệm lời lắm, vì tôi nghĩ trong cuộc sống phải biết lắng nghe thì mới thấu hiểu, có thấu hiểu mới đi đến tận cùng cội nguồn. Nghệ sĩ như chúng tôi thường hay đùa ví nhau như là bác sĩ pháp y. Nhiều khi phải phân tích, mổ xẻ tâm sinh lý của nhân vật để biến nó trở nên có hồn trên sân khấu.

Chúng tôi không phải là những đao phủ, hay con điếm… nhưng khi đóng những vai như thế thì phải quan sát cuộc sống của những người làm nghề đó.

Cứ gặp thấy tôi cười nói loe toe thế thôi nhưng thực ra lại là người mau nước mắt, giòn cười tươi khóc lắm, người ta chưa khóc mình đã khóc, chưa cười mình đã cười…

Tại nghệ sĩ mong manh quá…

Minh Vượng:
Ừ, mong manh như dây đàn ý. Một ngọn gió thoảng qua cũng đủ làm sợi tơ đàn rung lên rồi. Cách đây một tuần tôi có ngồi với anh Hồng Kỳ, một nghệ sĩ của trẻ thơ, anh kể nhận được thư của một em bé bị mù, lại mất hết cả chân tay do tai nạn và phải nhờ bạn viết hộ thư... Anh Kỳ đọc bức thư ấy mà chúng tôi không ai cầm được nước mắt.

Nghệ sĩ như chúng tôi vui thì không ai bằng nhưng buồn thì cũng buồn nhiều. Có lẽ với chúng tôi cảm xúc bao giờ cũng tràn đầy. Và, chính những cái được-mất thật trong cuộc sống là dành nuôi cảm xúc chân thực để rồi sẽ đưa chúng vào trong từng vai diễn một cách đúng lúc, đúng chỗ. Mà việc nuôi cảm xúc ấy thật là mệt mỏi chứ không sung sướng gì đâu.

Chúng tôi thường nói với nhau là đừng ức chế tình cảm của mình, vui thì bảo vui mà buồn bảo rằng buồn, không thể tự lừa dối chính mình được, vì mình biết tức là trời biết. Tôi nghĩ cuộc sống cứ cho đi sẽ nhận được nhiều hơn…

Tình hình sức khoẻ hiện nay của chị thế nào rồi?


Minh Vượng: Năm vừa rồi tôi đã ổn định hơn và tin rằng năm nay sức khoẻ sẽ khởi sắc hơn năm ngoái. Giờ một ngày tôi phải tự tiêm insulin bốn lần.

Đến tuổi này rồi chị còn ước mơ gì nữa không?

Minh Vượng:
Đó là sân khấu kịch khởi sắc và ước được có nhiều sức khoẻ. Có sức khoẻ là ta mơ được nhiều thứ, không có sức khoẻ ta chẳng mơ được gì.

Và, điều gì trong cuộc sống khiến chị cảm thấy nhẹ nhõm?

Minh Vượng: Là tiếng cười đấy. Tôi nghĩ rằng tôi phải cảm ơn cuộc đời đã cho tôi làm cái nghề này. Nhiều khi cũng ưu tư, đau đớn, dằn vặt, trăn trở cùng với nhân vật của mình thế nhưng chính tiếng cười và sự yêu thương của khán giả là món quà vô giá.

Có những cơ quan, đoàn thể ở tận Nghệ An gọi điện ra làm mối cho tôi ông nọ ông kia. Ối giời ôi, cảm động lắm chứ em…

Cảm ơn chị và chúc chị một năm mới thật nhiều sức khoẻ.


Mai Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục