Danh sách ngân hàng lớn bị nghi lũng đoạn thị trường hối đoái Brazill

Danh sách ngân hàng lớn bị nghi lũng đoạn thị trường hối đoái Brazil

Standard Bank, Citigroup hay Standard Chartered bị nghi ngờ đã “bắt tay” để cùng gây “nhiễu loạn” tỷ giá hối đoái nhằm loại các ngân hàng khác khỏi thị trường Brazil.
Danh sách ngân hàng lớn bị nghi lũng đoạn thị trường hối đoái Brazil ảnh 1Các ngân hàng bị nghi ngờ đã 'bắt tay' để cùng gây 'nhiễu loạn' tỷ giá hối đoái. (Nguồn: Bloomberg)

Ngày 2/7, Hội đồng bảo vệ kinh tế Brazil CADE đã tiến hành điều tra 15 ngân hàng nước ngoài bị nghi ngờ lũng đoạn thị trường hối đoái nước này.

Đây là lần đầu tiên xảy ra tình trạng như vậy ở một thị trường ngoại hối được coi là nhộn nhịp nhất thế giới.

CADE, cơ quan trực thuộc Chính phủ Brazil, cho biết các ngân hàng trên bị nghi ngờ đã “bắt tay” để cùng gây “nhiễu loạn” tỷ giá hối đoái nhằm loại các ngân hàng khác khỏi thị trường.

Theo CADE, các ngân hàng này là những tên “mafia” đã tiến hành "làm giá" trên thị trường ngoại hối Brazil.

CADE đã theo dõi 15 ngân hàng này trong giai đoạn 2007-2013 và tiến hành điều tra chỉ ít tuần sau khi sáu ngân hàng lớn nhất thế giới thống nhất trả 5,8 tỷ USD cho Chính phủ Mỹ để đền bù vụ việc có liên quan tới lũng đoạn tỷ giá hối đoái.

Các cơ quan chức năng Mỹ đã mất 5 năm để điều tra vụ việc và các ngân hàng đó đã bị tuyên án có dính líu. Một trong số các ngân hàng đó có tên trong danh sách điều tra của CADE.

Danh sách các ngân hàng bị điều tra gồm Standard Bank Group Ltd, Tokyo-Mitsubishi UFJ, Barclays Plc, Citigroup Inc, Credit Suisse Group AG, Deutsche Bank AG, HSBC Holdings Plc, JPMorgan Chase & Co, Bank of America Merrill Lynch, Morgan Stanley & Co, Nomura Holdings Inc, Royal Bank of Canada, Royal Bank of Scotland Group, Standard Chartered Plc và UBS AG.

Ngoài ra, 30 người khác bị tình nghi có liên quan cũng bị điều tra. Những người này bị cáo buộc lũng đoạn tỷ giá hối đoái đồng USD và các loại ngoại tệ khác trên lãnh thổ Brazil.

Thông cáo nêu rõ những loại hình hoạt động tài chính này khiến thị trường đứng trước nguy cơ mất đi sự cạnh tranh bình đẳng, gây thiệt hại cho khách hàng khi đổi ngoại tệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục