Đào tạo nghề chưa tiếp cận được các tiêu chuẩn quốc tế

Đổi mới chương trình đào tạo nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển và nâng cao trình độ ngoại ngữ là yêu cầu cấp thiết để đào tạo nghề tại Việt Nam đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động
Đào tạo nghề chưa tiếp cận được các tiêu chuẩn quốc tế ảnh 1(Ảnh minh hoạ:TTXVN)

Đổi mới chương trình đào tạo nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển và nâng cao trình độ ngoại ngữ là yêu cầu cấp thiết để đào tạo nghề tại Việt Nam đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Đây là nhận định được đưa ra tại hội thảo các giải pháp đồng bộ nâng cao chất lượng dạy nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 24/6, tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dạy nghề (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) nhận định, thời gian qua lao động qua đào tạo nghề đã đảm nhận nhiều vị trí công tác phức tạp mà trước đây do chuyên gia nước ngoài thực hiện. Khoảng 70% học sinh tìm được việc làm. Tuy nhiên, ông Minh thừa nhận đào tạo nghề chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động về tay nghề, về các kỹ năng mềm như tác phong công nghiệp.

Hiện nay, chương trình đào tạo nghề ít được cập nhật, bổ sung theo sự phát triển của khoa học công nghệ, sự gắn kết doanh nghiệp với cơ sở dạy nghề lỏng lẻo... Một số chuyên gia nước ngoài cũng cho rằng đào tạo nghề ở Việt Nam ít theo tiêu chuẩn quốc tế, chủ yếu học lý thuyết.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, để khắc phục những hạn chế cần gắn kết chặt chẽ giữa dạy nghề và thị trường lao động, kết nối cung, cầu giữa nhà trường và doanh nghiệp, bảo đảm người học có việc làm sau tốt nghiệp. Xây dựng chuẩn đầu ra, đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học nghề.

“Chương trình và nội dung phải phù hợp, linh hoạt, sát với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, lấy thực hành là chính, thời gian học lý thuyết tối đa 30%, thời gian thực hành từ 70% trở lên. Thí điểm các chương trình đào tạo chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế để rút kinh nghiệm triển khai đại trà các bộ chương trình nhận chuyển giao từ nước ngoài,” ông Nguyễn Hồng Minh nói.

Ngoài ra, đào tạo nghề cần phải chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp bằng cách bồi dưỡng, bảo đảm 100% nhà giáo dạy các ngành, nghề trọng điểm quốc gia, quốc tế và khu vực ASEAN được bồi dưỡng đạt chuẩn về kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm, ngoại ngữ, tin học.

Tại hội thảo, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục chuyển giao chương trình đào tạo nghề từ các nước phát triển. Đặc biệt, đổi mới đào tạo tay nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển và nâng cao trình độ ngoại ngữ. Đồng thời, phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, hệ thống kiểm định chất lượng độc lập, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng mong muốn Chính phủ sớm xác định cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương về giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở đánh giá về hiệu quả quản lý điều hành cũng như thuận lợi cho việc gắn kết với việc làm và thị trường lao động./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục