Đào tạo nhân lực: Ưu tiên chất lượng cao không phải bằng cấp cao

Phóng viên TTXVN đã trao đổi với Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dạy nghề về công tác chuẩn bị cho việc hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Đào tạo nhân lực: Ưu tiên chất lượng cao không phải bằng cấp cao ảnh 1Ông Dương Đức Lân, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Việc Quốc hội khóa XIII tại Kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp đã tạo ra bước phát triển mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XI).

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Dương Đức Lân, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) về công tác chuẩn bị cho việc hướng dẫn thi hành Luật và định hướng giáo dục nghề nghiệp trong điều kiện hình thành Cộng đồng chung ASEAN vào cuối năm 2015.


- Nhìn lại công tác đào tạo nghề năm 2014, theo Tổng Cục trưởng, có những thuận lợi và khó khăn gì?

Tổng Cục trưởng Dương Đức Lân: Năm 2014, về cơ bản, công tác dạy nghề đã đạt được mục tiêu đề ra, tuy nhiên, công tác tuyển sinh cao đẳng và trung cấp nghề còn nhiều khó khăn, chưa đạt. Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, công tác tuyển sinh học nghề đạt hơn 2 triệu người (bằng 113,7% so với kế hoạch), trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp nghề được gần 221 nghìn người (bằng 78,8% so với kế hoạch); trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng có khoảng 1,8 nghìn người (đạt 120,2%).

Số lượng sinh viên, học sinh và người tốt nghiệp khoảng hơn 1,5 nghìn người, trong đó tỷ lệ có việc làm chiếm 78,7%, cao đẳng nghề khoảng 72,5%, trung cấp nghề khoảng 71,8%.

Cũng trong năm 2014, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đạt chỉ tiêu đề ra (gần 535.000 người). Công tác này sẽ ngày càng được tổ chức hiệu quả hơn theo tinh thần "chỉ tổ chức học nghề cho lao động nông thôn khi xác định được nơi làm việc và mức thu nhập sau học nghề."

Đặc biệt, Luật Giáo dục nghề nghiệp được Quốc hội khóa XIII thông qua trong năm 2014, với quy định sát nhập, quy hoạch lại mạng lưới đào tạo sẽ giúp công tác giáo dục nghề nghiệp hoạt động có hiệu quả hơn. Việc thống nhất các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ giúp Việt Nam xây dựng được khung trình độ quốc gia; đồng thời, hội nhập được với khu vực và quốc tế trong quá trình đào tạo.

- Trọng tâm của công tác đào tạo nghề được đặt ra trong năm 2015 là gì, thưa Tổng Cục trưởng?

Tổng Cục trưởng Dương Đức Lân: Chiến lược Dạy nghề đến năm 2020 đã đặt ra mục tiêu rõ ràng cho từng năm. Công tác tuyển sinh dạy nghề đặt mục tiêu tuyển mới 2.150 nghìn người, trong đó trung cấp nghề, cao đẳng nghề là khoảng 250.000 người; sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng là 1.900 người.

Đến 1/7/2015, khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực, chỉ tiêu tuyển sinh của hệ thống giáo dục nghề nghiệp là rất cao. Nếu mục tiêu nói chung cho đào tạo nhân lực, giáo dục nghề nghiệp chiếm tới hơn 80%, đại học chỉ chiếm hơn 10%.

Trước ngày Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực, tất cả các cơ sở đào tạo vẫn tổ chức thực hiện tuyển sinh đào tạo như bình thường. Do đó, năm học 2014-2015, các trường đại học sẽ tiếp tục tuyển sinh cao đẳng, tổ chức đào tạo cho đến khi kết thúc khóa học và cấp bằng theo quy định.

Sau khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thi hành, tất cả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải tuân theo quy chế tuyển sinh đào tạo do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở Trung ương quy định.

- Tổng Cục trưởng có thể cho biết những điểm mới của Luật Giáo dục nghề nghiệp?

Tổng Cục trưởng Dương Đức Lân: Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp, tạo sự thống nhất giữa cao đẳng với cao đẳng nghề; trung cấp chuyên nghiệp với trung cấp nghề. Theo Luật, trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp bao gồm trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp và cao đẳng.

Quy định này giúp hệ thống giáo dục nghề nghiệp thống nhất hơn, phù hợp với khu vực, quốc tế, tương thích với Khung trình độ quốc gia đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ.

Theo Khung trình độ quốc gia, giáo dục nghề nghiệp gồm 5 trình độ (bậc 1 đến 5). Trình độ sơ cấp tương đương với bậc 3; trình độ trung cấp tương đương bậc 4; trình độ cao đẳng tương đương bậc 5. Mỗi bậc trình độ sẽ xác định chuẩn "đầu ra," từ đó đó tiến đến xây dựng chương trình đào tạo tương ứng với từng trình độ.

Những sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng (bậc 5) đối với những ngành nghề thuộc lĩnh vực kỹ thuật công nghệ sẽ được công nhận là kỹ sư thực hành. Đối với những ngành nghề không phải kỹ thuật công nghệ, sinh viên tốt nghiệp sẽ đơợc công nhận là cử nhân thực hành. Điều này sẽ khuyến khích các em tham gia vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Dự kiến trong tháng 3/2015, khung trình độ quốc gia sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Việc phân định giữa Đại học và giáo dục nghề nghiệp sẽ giúp hệ thống đào tạo rõ nét hơn. Giáo dục Đại học chú trọng về lý thuyết (hệ thống Hàn lâm), hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ chú trọng về thực hành, rèn luyện kỹ năng nghề và khi ra làm việc, sinh viên sẽ ra sẽ trở thành người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh.


- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có kế hoạch gì để xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp, thưa Tổng Cục trưởng?

Tổng Cục trưởng Dương Đức Lân:
Năm 2015 đã được xác định là năm tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp và thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo.

Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 Nghị định, 3 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 4/2015.

Để chuẩn bị hướng dẫn các nội dung các theo thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp tại Trung ương, Tổng Cục Dạy nghề đang dự thảo 24 Thông tư hướng dẫn các nội dung khác theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Đồng thời, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tập trung hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rà soát số lượng các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề, trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp và các cơ sở khác có đăng ký hoạt động dạy nghề để tổng hợp, báo cáo quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý. Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đang dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên phạm vi toàn quốc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...

- Theo Tổng Cục trưởng, việc ra đời của Luật Giáo dục nghề nghiệp sẽ giúp cải thiện về chất lượng lao động Việt Nam như thế nào trong thời gian tới?

Tổng Cục trưởng Dương Đức Lân: Chất lượng lao động là vấn đề quan trọng. Rất nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao thí sinh Việt Nam đi thi tay nghề có kết quả cao mà năng suất lao động lại thấp? Năng suất lao động do nhiều yếu tố quyết định (chất lượng lao động, môi trường làm việc, cơ chế...).

Phần lớn lao động Việt Nam chưa qua đào tạo dẫn đến năng suất lao động thấp. Bên cạnh đó, một trong những yếu tố giúp năng suất lao động cao phải nói đến đó là kỹ năng nghề. Chất lượng đào tạo hết sức quan trọng cần được đẩy mạnh nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập với khu vực và quốc tế. Để tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia, chất lượng lao động là hết sức quan trọng.

Chất lượng lao động quyết định năng suất lao động. Đảng, Nhà nước ta đã xác định giai đoạn từ nay đến 2020 là đột phá chất lượng nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực được hiểu ở đây không phải là nhân lực có bằng cấp cao mà mà nhân lực có chất lượng cao, bởi chất lượng cao và bằng cấp cao là hai câu chuyện khác nhau.

Thực hiện Quyết định 761 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020, Tổng Cục Dạy nghề đang triển khai xây dựng các trường nghề chất lượng cao với 6 tiêu chí thách thức.

Đồng thời, Tổng Cục Dạy nghề cũng đang chuyển giao 12 giáo trình đào tạo của Austraylia về. Sinh viên Việt Nam được đào tạo theo giáo trình này, khi tốt nghiệp sẽ được hai bằng chứng nhận của Việt Nam và Austraylia - điều này bảo đảm cho sự cạnh tranh của Việt Nam với các nước trong khu vực. Đây là những bước đi đang dần được triển khai hướng đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập.

- Trong bối cảnh đến cuối 2015 sẽ hình thành cộng đồng chung ASEAN, theo Tổng Cục trưởng, những nghề nào của Việt Nam có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực?

Tổng Cục trưởng Dương Đức Lân: Cuối năm 2015, ASEAN trở thành cộng đồng chung, từ 10 thị trường sẽ trở thành một thị trường, dẫn đến sự di chuyển của lao động các nước và sự công nhận lẫn nhau về kỹ năng nghề. Các nghề du lịch, dịch vụ nhà hàng của Việt Nam thời gian qua luôn ở top đầu và đã được các nước khác công nhận.

Một số nghề khác phải kể đến như: cơ điện tử, xây gạch... Việt Nam hoàn toàn có thế mạnh cạnh tranh với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, một số nghề như nghề hàn, mặc dù đã rất nỗ lực nhưng Việt Nam còn gặp khó khăn khi cạnh tranh với Thái Lan.

Những nghề có khả năng di chuyển lao động trong khu vực là những nghề được tổ chức thi tại các Kỳ thi ASEAN. Đây cũng là thế mạnh của Việt Nam bởi nước ta có đội ngũ lao động trẻ, dồi dào.


- Trân trọng cảm ơn Tổng Cục trưởng!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục