"Đất thép" Củ Chi bừng sức sống mới sau 40 năm giải phóng

Mảnh đất Củ Chi đầy bom đạn trong chiến tranh năm xưa giờ xanh mướt bởi sự trù phú của vùng nông thôn mới cùng với các khu công nghiệp hiện đại, đời sống người dân được nâng cao.
"Đất thép" Củ Chi bừng sức sống mới sau 40 năm giải phóng ảnh 1Trồng lan đem lại thu nhập cao cho nông dân Củ Chi. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Sau ngày giải phóng, cơ sở hạ tầng của Củ Chi hầu như không có, cái đói cái nghèo đeo bám người dân nơi đây. 40 năm sau ngày giải phóng, vùng đất thép Củ Chi đã “thay da đổi thịt,” vươn mình hồi sinh với những thành tựu ấn tượng trong phát triển kinh tế-xã hội, đời sống người dân ngày càng được nâng cao về mọi mặt.

Sức bật từ nông nghiệp đô thị

Một trong những thành tựu quan trọng nhất trong quá trình phát triển của huyện Củ Chi là việc chuyển đổi phương thức canh tác, nuôi trồng theo hướng nông nghiệp công nghệ cao phù hợp điều kiện đô thị hóa của thành phố. Huyện hình thành các vùng chuyên canh sản xuất cây, con, trong đó chú trọng gắn kết giữa phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm ổn định giá cả.

Định hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện Củ Chi đã làm giảm đáng kể diện tích trồng lúa năng suất thấp sang trồng hoa lan, rau sạch, cỏ nuôi bò và phát triển thủy sản… Nhờ đó, hàng nghìn hộ dân Củ Chi đã phát triển sản xuất vươn lên khá giả.

Gia đình bà Trần Thị Lan trước đây là một trong những hộ nghèo nhất ấp Trung, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, nhưng nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nay gia đình bà đã thoát nghèo, cuộc sống ngày càng sung túc.

Khởi nghiệp từ năm 2000, với một con bò sữa giá 9 triệu đồng bằng tiền dành dụm được, đến nay, đàn bò của gia đình bà Lan phát triển đến hơn 50 con cho sữa thường xuyên. Trừ các chi phí, mỗi năm gia đình bà thu khoảng 200 triệu đồng, kinh tế ổn định, cuộc sống của gia đình bà ngày càng khấm khá.

"Đất thép" Củ Chi bừng sức sống mới sau 40 năm giải phóng ảnh 2Mô hình chăn nuôi bò sữa của một hộ gia đình ở Củ Chi. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Chúng tôi đến nhà bà Lan khi bà đang bận rộn với công việc cắt cỏ cho đàn bò sữa. Bà Lan chia sẻ ngày trước gia đình bà rất khó khăn, cực khổ, vừa trồng lúa, trồng màu, làm mướn cũng chẳng đủ trang trải chi phí cuộc sống gia đình, lại nuôi 3 người con ăn học nên rất chật vật. Nhờ mạnh dạn chuyển sang nuôi bò sữa, gia đình mới có cuộc sống ổn định như ngày hôm nay.

Cũng quyết tâm làm giàu bằng nông nghiệp, gia đình chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền ở ấp Ba Sòng, xã An Nhơn Tây lại chọn phát triển kinh tế bằng mô hình trồng hoa lan. Bắt đầu trồng hoa lan vào cuối năm 2007, với 4.000 gốc lan Mokara, nhưng do vẫn còn thiếu kiến thức và kinh nghiệm nên cây trồng của gia đình chị Huyền thường phát sinh nấm, sâu bệnh.

Không nản lòng, cùng với sự khuyến khích và hỗ trợ của chính quyền địa phương về vốn và kỹ thuật, chị Huyền lại tiếp tục phát triển quy mô trồng lan. Lần này, chị mạnh dạn chuyển đổi 5ha đất trồng cây cao su để thành lập trang trại trồng hoa lan với 140.000 gốc.

Đến nay, trang trại lan của gia đình chị là một trong những mô hình điểm sản xuất nông nghiệp đô thị của huyện. Vườn lan của gia đình chị phát triển tốt, thị trường ổn định, tạo thu nhập thường xuyên cho gia đình bình quân 2 tỷ đồng/năm.

Không dừng lại ở đó, chị Huyền cho biết chị đang hướng đến một mô hình nông nghiệp công nghệ cao mới, là đầu tư hệ thống cấy mô để làm chủ khâu sản xuất giống, vừa giảm được chi phí mua cây giống đồng thời cung cấp giống cho các hộ dân trồng hoa lan tại địa phương.

Ngoài ra, chị cũng hướng đến việc phát triển vườn lan kết hợp du lịch để quảng bá sản phẩm nhà vườn cũng là quảng bá hình ảnh nông nghiệp đô thị của thành phố.

Theo Ủy ban Nhân dân huyện Củ Chi, diện tích gieo trồng bình quân trên địa bàn huyện hàng năm ước đạt 37.500ha, trong đó có trồng rau, hoa lan cây kiểng, cây ăn quả… đang chuyển dịch theo hướng kết hợp du lịch sinh thái. Cùng với đó, chăn nuôi phát triển mạnh theo quy mô lớn tại hộ gia đình với vật nuôi chủ lực là bò sữa.

Đến nay, huyện có gần 68.000 con bò sữa, là địa phương có tổng đàn bò sữa lớn nhất thành phố (chiếm 27% đàn bò sữa cả nước), năng suất và chất lượng sữa tăng sản lượng bình quân 550 tấn/ngày (chiếm gần 29% sản lượng sữa bò cả nước).

Trên địa bàn huyện có 29 hợp tác xã ở nhiều lĩnh vực, bao gồm nông nghiệp, thương mại dịch vụ, quỹ tín dụng, tiểu thu công nghiệp, vận tải đã đáp ứng tốt các nhu cầu cung ứng sản phẩm đầu vào và thu mua nông sản cho xã viên.

Diện mạo nông thôn bừng sức sống

Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Củ Chi Tô Văn On, một người dân gắn bó với vùng đất Củ Chi hàng chục năm qua, chia sẻ: “Trong và sau chiến tranh, nơi đây bom đạn nhiều hơn khoai, lúa; đồng khô, cỏ cháy, đồn bốt nhiều hơn trường học, trạm xá, bệnh viện, cuộc sống người dân vô cùng khó khăn. Sự thay đổi từng ngày của vùng đất Củ Chi khiến chính chúng tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng. Trước đây, chứng kiến những hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại không ai có thể nghĩ rằng vùng đất Củ Chi có thể thay đổi diện mạo như ngày hôm nay, đời sống người dân được đảm bảo về mọi mặt.”

Cùng với sự chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, các cụm công nghiệp đang góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống của người dân Củ Chi, hiện nay thu nhập bình quân của người dân khoảng 40 triệu đồng/người/năm, tổng số hộ nghèo ở Củ Chi chỉ còn khoảng 3%.

Củ Chi là huyện đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ông Lê Minh Tấn, Bí thư Huyện ủy huyện Củ Chi cho biết, qua 6 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng phát triển đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh nên sản xuất phát triển, góp phần đưa thu nhập hộ tăng cao, bền vững. Cùng với đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên không quá cách biệt so với vùng nội thành.

"Đất thép" Củ Chi bừng sức sống mới sau 40 năm giải phóng ảnh 3Những vườn rau sạch giúp nông dân thoát nghèo. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Huyện đã thực hiện các dự án phát triển sản xuất, chuyển dịch lao động góp phần nâng cao thu nhập bền vững, khuyến khích các hộ gia đình tổ chức sản xuất; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp về địa phương liên kết phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Với truyền thống kiên cường, tinh thần chịu thương chịu khó cùng với chính sách quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân Củ Chi ra sức thi đua lao động sản xuất, vượt qua khó khăn đói nghèo làm thay đổi diên mạo nông thôn.

Về những thành tựu quan trọng mà Củ Chi đạt được, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá Củ Chi cửa ngõ phía Bắc giữ vai trò, trị trí rất quan trọng về nhiều mặt trong xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố.

Vùng vành đai trắng do chiến tranh để lại đã nhanh chóng hồi sinh, biến thành vành đai xanh nông thôn mới cùng các khu công nghiệp ngày càng phát triển; kinh tế tăng trưởng cao, chuyển dịch đúng hướng, tăng trưởng kinh tế luôn gắn với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, giáo dục, dạy nghề, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an sinh xã hội được huyện tập trung thực hiện có hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong việc đào tạo nguồn lực, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao đời sống nhân dân.

Mảnh đất đầy bom đạn năm xưa giờ đã vươn mình đổi khác, hòa nhịp nhanh chóng với đà phát triển chung của Thành phố Hồ Chí Minh năng động, đầu tàu về kinh tế trong cả nước.

Phát huy truyền thống vùng đất thép kiên cường trong kháng chiến, những con người nơi đây đang ngày đêm chung tay xây dựng một Củ Chi tràn đầy sức sống.

Chia sẻ về hướng phát triển trong thời gian tới, ông Lê Minh Tấn cho biết trong thời gian tới, toàn bộ hệ thống chính trị huyện tập trung thực hiện mục tiêu xây dựng huyện Củ Chi thành huyện văn hóa nông thôn mới giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình, đồng thời tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, gắn với đảm bảo an sinh xã hội.

Cụ thể như, xây dựng các khu nông nghiệp dân cư nhà vườn sinh thái kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng kết nối chuỗi tham quan du lịch những địa danh lịch sử, làng nghề truyền thống, vườn cây ăn trái ven sông Sài Gòn, trong đó, kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp-thương mại dịch vụ và nông nghiệp; phấn đấu đến năm 2020, nâng thu nhập bình quân của người dân 60 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3% tổng số hộ dân./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục