Dầu thô đã chạm mức thấp nhất trong 5 tháng qua

Dầu thô liên tục xuống giá trong hơn hai tuần trở lại đây và đến phiên 15/5, mặt hàng này có lúc đã chạm mức thấp nhất trong năm tháng qua
Dầu thô liên tục xuống giá trong hơn hai tuần trở lại đây và đến phiên 15/5 tại châu Á, mặt hàng này có lúc đã chạm mức thấp nhất trong năm tháng qua với việc lùi về gần 94 USD/thùng, do những lo ngại tiếp diễn về cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu sau những biến động chính trị tại Pháp và Hy Lạp.

Nhà chiến lược thị trường Justin Harper thuộc Công ty IG Markets tại Singapore cho rằng diễn biến mới của cuộc khủng hoảng tại Eurozone đã gây sức ép khiến các thị trường hàng hóa đều đi xuống, trong đó thị trường dầu mỏ chịu tác động mạnh nhất.

Chiều cùng ngày trên sàn điện tử Singapore, giá dầu thô chuẩn Tây Texas (WTI) giao tháng 6/2012 tiếp tục giảm thêm 63 xu xuống 94,15 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng giảm 58 xu xuống 110,99 USD/thùng.

Các chế phẩm dầu mỏ khác cũng giảm giá theo, trong đó giá dầu sưởi ấm giảm 1,2 xu xuống 2,92 USD/gallon và xăng kỳ hạn giảm 0,7 xu còn 2,95 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít).

Trong phiên trước, giá dầu WTI có lúc rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 19/12/2011 với 93,65 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent cũng rơi xuống mức thấp nhất trong bốn tháng qua là 110,04 USD/thùng.

Như vậy, giá dầu đã giảm khoảng 11% kể từ mức 106 USD/thùng hồi đầu tháng này khi có những dấu hiệu tăng trưởng chậm lại của hai nền kinh tế tiêu thụ nhiều dầu mỏ nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

Tuần này, giới đầu tư còn thêm lo lắng về việc khó thành lập chính phủ tại Hy Lạp sau cuộc bầu cử mới đây và động thái này càng làm cho cuộc khủng hoảng nợ công trên "đất nước của các vị thần" trở nên trầm trọng hơn và nền kinh tế này chìm vào suy thoái sâu, ảnh hưởng đến lòng tin của giới đầu tư trên khắp châu Âu.

Một cuộc bầu cử mới tại Hy Lạp xem ra không thể tránh khỏi sau khi các đảng chính trị tại nước này thất bại trong việc thành lập chính phủ mới. Việc chưa có được một chính phủ đoàn kết đang gây rủi ro đối với gói cứu trợ thứ hai cho Hy Lạp, khi không có gì đảm bảo nước này sẽ thực thi các điều kiện của gói cứu trợ đã ký với Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Theo một nhà kinh doanh tại sàn, bên cạnh ảnh hưởng từ những vấn đề về tài chính-ngân hàng tại Italia và Tây Ban Nha, giá dầu còn chịu áp lực từ thông báo của Arập Xêút cho biết dự trữ dầu thô toàn cầu có thể đã tăng trước khi nhu cầu được dự báo sẽ đi lên bắt đầu từ tháng 7/2012./.

Trang Nhung (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục