Đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên

5 tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do các tỉnh quản lý đã thực hiện trên 2.600 tỷ đồng.
Đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên ảnh 1Thu hái càphê ở huyện CưMgar, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chiều 8/6, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Cục An ninh Tây Nguyên tổ chức họp báo thông tin về tình hình phát triển kinh tế, xã hội 5 tháng đầu năm nay và xúc tiến thương mại, đầu tư vùng Tây Nguyên.

Ông Trần Việt Hùng, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết 5 tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do các tỉnh quản lý đã thực hiện trên 2.600 tỷ đồng; chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, cấp nước sinh hoạt nông thôn, đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới.

Toàn vùng đã có 1.153 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 3.230 tỷ đồng; tăng 6,3% về số doanh nghiệp và 8% về vốn so với cùng kỳ năm trước đó.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 8,5% so cùng kỳ năm trước; sản xuất nông nghiệp toàn vùng tuy bị tác động của hạn hán nhưng vẫn phát triển khá ổn định, cơ cấu cây trồng tiếp tục chuyển đổi theo hướng tích cực, diện tích cây công nghiệp có nhu cầu thị trường cao tăng khá.

Các tỉnh Tây Nguyên ngày càng có thêm nhiều mô hình đầu tư thâm canh, sản xuất sạch, áp dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng cây ăn trái, chè, rau, hoa, nuôi bò, cá nước lạnh… Chăn nuôi nhiều nơi đã chuyển dần từ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại.

Các tỉnh Tây Nguyên hiện có hơn 573.400ha càphê, chiếm gần 88% diện tích càphê của cả nước; trong đó, càphê kinh doanh đạt gần 532.500ha, năng suất bình quân 24,66 tạ càphê nhân/ha (tăng 0,29 tạ/ha), sản lượng 1,313 triệu tấn càphê nhân (tăng 33.793 tấn). Công tác bảo vệ, phát triển rừng có một số kết quả tích cực.

Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh Tây Nguyên cũng tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, trước mắt tập trung hoàn thành, nâng cấp các tuyến đường giao thông như đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (cơ bản hoàn thành vào tháng 6/2015), sân bay Pleiku, quốc lộ 20, 28, 26… Các ngành y tế, giáo dục của các tỉnh phục vụ tốt yêu cầu của đồng bào các dân tộc trên địa bàn…

Ông Trần Việt Hùng cũng cho biết giai đoạn 2011-2014, thu hút đầu tư toàn xã hội vùng Tây Nguyên đạt 212.751 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách Nhà nước chiếm khoảng 35,8%, vốn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài chiếm 19,3%, còn lại là các nguồn vốn khác.

Cùng với việc tăng huy động vốn đầu tư toàn xã hội, cơ cấu đầu tư đã được điều chỉnh ngày càng hợp lý, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là đầu tư vào các dự án giao thông, thủy lợi, công nghiệp, năng lượng, bưu chính viễn thông và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục