Đầu tư hơn 51 tỷ đồng xử lý khẩn cấp đập chính của Hồ Núi Cốc

Sau khi khảo sát, kiểm tra tình hình hư hỏng, xuống cấp ở đập chính Hồ Núi Cốc, ​Thái Nguyên thông qua phương án xử lý khẩn cấp đập chính Hồ Núi Cốc, với tổng mức đầu tư 51,4 tỷ đồng.
Đầu tư hơn 51 tỷ đồng xử lý khẩn cấp đập chính của Hồ Núi Cốc ảnh 1Đoàn công tác kiểm tra công trình thủy lợi hồ Núi Cốc tại thành phố Thái Nguyên. (Ảnh: Thu Hằng/TTXVN)

Sau khi khảo sát, kiểm tra thực tế tình hình hư hỏng, xuống cấp, thăm dò địa chất tại đập chính Hồ Núi Cốc, ​Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên vừa thông qua phương án xử lý khẩn cấp đập chính Hồ Núi Cốc, với tổng mức đầu tư 51,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách.

Theo phương án của Tổng Công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam-HEC, giải pháp xử lý cấp bách phù hợp nhất hiện nay cho đập chính Hồ Núi Cốc là khoan phụt tạo màng chống thấm cho thân đập, tạo màng chống thấm lõi giữa bằng phương pháp khoan phụt vữa ximăng sét hoặc xây dựng tường hào bentonit; xử lý hệ thống tiêu thoát nước thân đập; xử lý hư hỏng mái hạ lưu và hệ thống tiêu thoát nước mặt.

Công tác xử lý khẩn cấp đập đất Hồ Núi Cốc gồm các công việc chính: khoan phụt xử lý chống thấm trong thân đập, xử lý thi công đống đá tiêu nước hạ lưu đập, xử lý mái hạ lưu đập, khôi phục hệ thống quan trắc thấm, chuyển vị và lắp đặt thiết bị đo mưa.

Trước mắt ưu tiên thi công khoan phụt xử lý chống thấm thân đập trước, khoan phụt từ trung tâm đập sang hai vai đập; thi công đống đá tiêu nước hạ lưu đồng thời rỡ bỏ tấm lát mái bêtông hạ lưu đập từ cao trình + 42.00 tới cao trình + 32.00 trong phạm vi 150m giữa đập (đây là khu vực thấm ra nhiều nhất); hoàn thiện xử lý hệ thống tiêu thoát nước mái hạ lưu đập trong phạm vi 150m giữa đập sau khi kết thúc khoan phụt...

Trong buổi hội thảo khoa học về xử lý khẩn cấp đập chính Hồ Núi Cốc diễn ra gần đây với sự tham gia của Tổng cục Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các nhà khoa học, chuyên gia về lĩnh vực thủy lợi cùng đại diện một số sở, ngành và đơn vị liên quan, ông Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch ​Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia về đánh giá hiện trạng chi tiết, có phân tích cụ thể các nguyên nhân gây ra việc thấm thân đập chính Hồ Núi Cốc, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi, hồ sơ thẩm định trong thời gian sớm nhất.

Đồng thời chỉ đạo Công ty T​rách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác thủy lợi tỉnh Thái Nguyên - chủ đầu tư dự án hoàn thiện nhanh các thủ tục để tiến hành sửa chữa sớm, đảm bảo đúng kỹ thuật, tiến độ, kinh tế và an toàn.

Việc xử lý cấp bách thân đập chính Hồ Núi Cốc phải được thi công đồng bộ và xong trước ngày 30/8 tới để hồ đảm bảo an toàn tích nước phục vụ sản xuất...

Theo kết quả khảo sát mới nhất về tình trạng xuống cấp, nguy cơ mất an toàn đập chính Hồ Núi Cốc, tổng thể khối đất đắp thân đập có hệ số thấm lớn vượt quá hệ số thấm cho phép trung bình từ 3-6 lần, nguy cơ gây xói ngầm làm mất ổn định đập rất cao, hai bên vai đập có hiện tượng điểm thấm ra cao hơn mực nước trong hồ, hệ thống thiết bị quan trắc thấm qua thân đập hiện không còn hoạt động, rãnh tiêu thoát nước trên cơ +42.00m bị đổ sập do chịu lực xô đẩy từ những tấm lát mái bêtông cốt thép phía trên tường rãnh...

Dự báo khi mùa mưa lũ tới, mực nước hồ dâng cao những tác động do dòng thấm gây ra càng lớn, cần phải xử lý khẩn cấp để đảm bảo an toàn thân đập./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục