Dạy chương trình tiên tiến: Cái khó làm bó cái khôn

Chật vật trong tuyển sinh, tốn kém khi mời giáo sư nước ngoài, trình độ tiếng Anh của cả thầy và trò còn hạn chế là những khó khăn cơ bản mà các trường có tham gia chương trình đào tạo tiên tiến chia sẻ.

Vấn đề được các trường quan tâm nhất vẫn là làm cách nào để khi không còn được Bộ Giáo dục và Đào tạo “rót” vốn, các trường vẫn tiếp tục triển khai và nhân rộng được hoạt động này.
Chật vật trong tuyển sinh, tốn kém khi mời giáo sư nước ngoài, trình độ tiếng Anh của cả thầy và trò còn hạn chế là những khó khăn cơ bản mà các trường có tham gia chương trình đào tạo tiên tiến chia sẻ sáng nay, ngày 19/10 tại Hội nghị Báo cáo tình hình triển khai đào tạo theo chương trình tiên tiến được Bộ Giáo dục và Đào tạo Bộ tổ chức ở Hà Nội.

Khó tuyển sinh đầu vào

Hiệu trưởng Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội Bùi Duy Cam cho biết, trường rất khó khăn trong việc tuyển sinh đầu vào cho ba lớp đào tạo theo chương trình tiên tiến. Chương trình dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh nên cản trở trước nhất là ngoại ngữ vì tuyển đầu vào của trường là khối A.

Đây cũng chia sẻ của ông Tôn Thất Dụng, Trưởng ban Điều hành Chương trình tiên tiến, Đại học Sư phạm Huế. Ông Dụng cho biết, trường đào tạo chương trình tiên tiến ngành Vật lý và đặt chỉ tiêu 30 sinh viên mỗi lớp nhưng chưa năm nào đạt. Thậm chí, lượng sinh viên giảm dần đều qua các năm. Cụ thể, khóa đầu tiên có 25 em, khóa thứ hai tuyển được 21 em, khóa thứ 3 được 22 em, khóa thứ tư tuyển được 22 sinh viên nhưng chỉ có 7 em theo học.

Cũng theo ông Dụng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này như trình độ ngoại ngữ của sinh viên còn thấp, không theo học nổi, sinh viên chưa hiểu được đào tạo theo chương trình tiên tiến là thế nào, trong khi đó học phí lại cao hơn chương trình học bình thường.

Một nguyên nhân khác, theo ông Nguyễn Cảnh Lương, Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, còn một nguyên nhân khác là sinh viên không thích các ngành khoa học cơ bản. Trường đào tạo bốn chương trình tiên tiến là Cơ điện tử,  Khoa học vật liệu, Kỹ thuật vi sinh và Điện – điện tử. Trong khi ngành Điện – điện tử học phí cao gấp ba lần nhưng vẫn đông sinh viên đăng ký thì ngành Khoa học vật liệu trường chỉ thu học phí như chương trình bình thường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.

Bài toán thuê giảng viên

Mời các giáo sư ở của các nước tham gia giảng dạy là một phần trong chương trình đào tạo tiên tiến. Tuy nhiên, các trường cũng gặp không ít khó khăn khi thực hiện điều này.

Ông Đoàn Quang Vinh, Hiệu phó Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho biết, có hai điều khó trong việc mời giáo viên thỉnh giảng. Thứ nhất là họ rất hiếm thời gian nên chỉ mời được khi họ rảnh. Thứ hai là chi phí cao.

Đưa ra một con số cụ thể hơn, ông Đỗ Văn Xê, Hiệu phó Đại học Cần Thơ cho biết, ngoài việc lo toàn bộ chi phí đi lại ăn ở, trường phải trả cho giáo viên thỉnh giảng 40 USD mỗi ngày và 40 USD mỗi giờ dạy. Đại diện của Đại học Nông nghiệp chia sẻ, có môn, họ phải trả tới 300 triệu đồng cho việc mời người dạy.

Chi phí cao, nhưng giảng viên người nước ngoài cũng chỉ dạy trong khoảng 2 đến 4 tuần. Các trường cho biết rất khó khăn để tìm người dạy suốt học kỳ.

Để khắc phục tình trạng này, Đại học Bách khoa Đà Nẵng phải yêu cầu người được mời gửi bài giảng sang trước để thầy và trò của trường cùng nghiên cứu. “Khi giảng viên sang dạy, sinh viên đã nắm được một phần vấn đề và chỉ tập trung vào những gì các em chưa hiểu. Hiệu quả học tập vì thế sẽ cao hơn,” ông Vinh chia sẻ.

Đại học Cần Thơ lại có một phương pháp khác là huy động các chuyên gia của các trường đối tác quốc tế khác đang hoạt động tại trường và có chuyên môn tương ứng cùng tham gia giảng dạy.

Làm cách nào để tự “bơi”?


Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, thực hiện chương trình tiên tiến chính là đem mô hình đào tạo nước ngoài vào từng trường để chúng ta quan sát, học hỏi. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cũng nhấn mạnh, chương trình tiên tiến không phải chỉ dừng lại ở 23 trường vời 35 ngành được đào tạo mà phải được nhân rộng, lan tỏa ra các ngành khác và các trường khác.

Vì thế, mặc dù còn nhiều khó khăn cả về phía sinh viên và giảng viên, nhưng vấn đề được các trường quan tâm nhất vẫn là làm cách nào để khi không còn được Bộ Giáo dục và Đào tạo “rót” vốn, các trường vẫn tiếp tục triển khai và nhân rộng được hoạt động này.

Ông Trương Chí Hiền, Hiệu phó Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh lo lắng: “Hết tài trợ nữa, học phí sẽ phải đẩy cao lên trên 1.000 USD một năm thì học sinh giỏi có vào học không khi mà họ có nhiều cơ hội học bổng ở nhiều nơi khác? Chất lượng đào tạo khi đó sẽ giảm.”

Ông Đinh Văn Chỉnh, Hiệu phó Đại học Nông nghiệp cũng băn khoăn vì sinh viên của trường hầu hết ở nông thôn, điều kiện kinh tế khó khăn, học phí cao là một cản trở lớn để các em có thể tiếp cận cơ hội học tập tốt.

Theo đó, một số trường kiến nghị Bộ nên tiếp tục hỗ trợ các trường triển khai chương trình.

Tuy nhiên, ông Phan Công Nghĩa, Hiệu phó Đại học Kinh tế Quốc dân lại cho rằng, các trường nên tự vận động, không nên trông chờ vào Bộ. Nếu lo sinh viên giỏi đi nơi khác thì các trường sẽ thu hút các em bằng học bổng.

Hơn nữa, theo ông Nghĩa, trong số 23 trường đang triển khai chương trình đào tạo tiên tiến, số trường được các doanh nghiệp tài trợ không nhiều. “Đây là một sân sau mà chúng ta chưa tận dụng được. Ngoài ra, các trường cũng nên huy động kinh phí từ địa phương,” ông Nghĩa nói.

Trước các ý kiến này, bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, Bộ sẽ xem xét để có những điều chỉnh phù hợp./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục