“Đẩy mạnh ngành chè theo hướng thị trường cần”

Hướng phát triển ngành chè bền vững cho VN là tập trung sản xuất các sản phẩm chè an toàn nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Chất lượng chè Việt Nam chưa được đánh giá cao, sản phẩm xuất khẩu chè ít có giá trị gia tăng và không có thương hiệu tại các thị trường tiêu thụ lớn là những điểm bất lợi cho xuất khẩu chè Việt Nam trên thị trường thế giới. Đó là ý kiến đánh giá của ông Đoàn Xuân Hòa, Cục phó Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn) tại Hội nghị quốc tế chè Việt Nam 2013 do Hiệp hội chè Việt Nam tổ chức, diễn ra ngày 8/10 ở Hà Nội. Chè VN chưa có chỗ đứng “Cơ cấu sản phẩm chè nước ta chậm đổi mới theo cơ chế thị trường, chúng ta đang làm cái chúng ta có, chứ chưa thực sự chú trọng đến sản xuất cái thị trường cần. Chúng ta hăng hái chiếm lĩnh mở rộng thị phần trong khi cơ cấu đưa ra chưa phù hợp với thị hiếu của thị trường,” ông Hòa nói. Theo Cục phó Đoàn Xuân Hòa, chất lượng chè Việt Nam về tổng thể luôn ở mức độ trung bình và thấp hơn so với các nước trong danh mục xuất khẩu thế giới. Xuất khẩu chúng ta đứng thứ 5 về sản lượng, song giá trị đứng thứ 10 trên thế giới, bởi giá bán thấp và chỉ bằng 65-70% so với giá chè các nước khác. Lý giải về vấn đề này, tiến sỹ Nguyễn Quốc Vọng, chuyên gia nông nghiệp-Ban tư vấn dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học” (QSEAP) cho biết, một trở ngại lớn khi xuất sang các nước EU là do rủi ro cao về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong chè, do đó thị trường xuất khẩu chè Việt Nam bị thu hẹp, dẫn đến Việt Nam khó mở rộng thị trường ở các khu vực tiềm năng có giá trị cao. Mặt khác, các chứng chỉ quốc tế về chất lượng nhà máy, nông trường như RA, GMP, GAP, UTZ áp dụng cho các sản phẩm chè tại Việt Nam còn quá ít so với các nước khác trên thế giới. Hơn nữa, mẫu xuất hàng chè Việt Nam kém hơn mẫu chào hàng cả về chất lượng và ngoại hình. Chính những điều này đã làm ảnh hưởng đến uy tín của chè Việt Nam, khiến khách hàng quốc tế e ngại mua bán trực tiếp với các nhà sản xuất Việt Nam, thay cho việc mua thông qua các công ty thương mại nước ngoài. [Hội nghị quốc tế chè: Cơ hội đưa trà Việt hội nhập] "Vì thu được lợi nhuận thấp nên người dân trồng chè cũng như các tác nhân khác thường không quan tâm đến việc cải thiện chất lượng chè nguyên liệu. Chính vì thế, vấn đề này khiến cho việc cải thiện tình hình xuất khẩu chè trở nên khó khăn," tiến sỹ Nguyễn Quốc Vọng nhấn mạnh. Tái cơ cấu là cấp thiết Trước những thách thức đối với ngành chè nói trên, ông Đoàn Anh Tuân-Chủ tịch Hiệp Hội chè Việt Nam cho rằng, việc tái cơ cấu ngành chè phát triển bền vững theo xu hướng thị trường là vấn đề cấp thiết hiện nay. Mặt khác, ngành chè cần nghiên cứu nắm bắt nhu cầu của thị trường để tập trung đẩy mạnh các mặt hàng có giá trị cạnh tranh nhằm xây dựng thương hiệu và tạo ưu thế chiếm lĩnh thị trường. Bên cạnh đó, ông Đoàn Anh Tuân cũng nhấn mạnh việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất chè từ quy mô nhỏ lẻ, manh mún sang hướng tập trung và có sự quản lý chặt chẽ từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ đồng thời có sự liên kết ngang giữa nông dân với nông dân và cả sự liên kết dọc giữa nông dân và doanh nghiệp; đặc biệt, phải đảm bảo về khâu chất lượng và các chỉ số tiêu chuẩn nhằm hướng đến các thị trường khó tính trên toàn thế giới.
“Đẩy mạnh ngành chè theo hướng thị trường cần” ảnh 1
Thu hoạch chè bằng máy hái tại huyện Thanh Sơn-Phú Thọ. (Ảnh: Hoàng Tùng/TTXVN)
Để đạt được những tiêu chí này, ngành chè cần phải tăng cường áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật và cải tiến nguồn giống gắn với việc kiểm soát chất lượng và đa dạng các sản phẩm có giá trị cạnh tranh trên thị trường đồng thời thúc đẩy chè nội tiêu đáp ứng nhu cầu trong nước. [Đầu tư 20 tỷ đồng trồng chè theo tiêu chuẩn GAP] "Đặc biệt, ngành chè cần chú trọng nâng cao chất lượng bằng cách kiểm soát chất lượng nguyên liệu chè búp tươi. Kiểm soát sự vệ sinh để nâng cao chất lượng nhà máy. Bởi vì chúng ta không thể sản xuất ra chè có chất lượng tốt từ nguyên liệu xấu, cho dù chúng ta có trang bị máy móc hiện đại đến đâu," Tổng Giám đốc Công ty Finlays Việt Nam (Chế biến chè, thu mua các loại nông sản để sản xuất và xuất khẩu) - bà Nguyễn Thị Hải cho biết. Nhấn mạnh thêm về vấn đề chất lượng, bà Hải cho hay, hiện nay, Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia đứng đầu trong việc có rủi ro cao về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong chè. Do đó, ngành chè Việt Nam cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát hệ thống cung cấp thuốc bảo vệ thực vật. Ông C.K. Liew, Chủ tịch Hiệp Hội kinh doanh chè Malaysia cũng nhận định, các nhà sản xuất và xuất khẩu Việt Nam cần phải nâng cao tính chuyên nghiệp trong sản xuất và xuất khẩu để hiểu được khách hàng thế giới họ cần gì và mình cần gì để đáp ứng các nhu cầu. "Nếu làm đươc những điều trên thì chè Việt Nam sẽ bán được giá cao hơn, người nông dân sẽ được hưởng lợi khi bán nguyên liệu với giá cao hơn. Họ sẽ có khả năng đầu tư sâu hơn vào vườn chè và nhà máy, để sản xuất chè có chất lượng tốt tạo thành một chuỗi dây chuyền sản xuất khép kín," ông C.K Liew chia sẻ./.
Năng suất chè bình quân của nước ta hiện nay khá thấp, chỉ đạt khoảng 4-5 tấn chè búp tươi/ha.

Về thị trường xuất khẩu, 75% lượng chè Việt Nam sản xuất được xuất khẩu tới 69 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó có đến 75% là chè đen và chỉ có 25% chè xanh xuất khẩu.

Thanh Tâm (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục