Đẩy mạnh "tín dụng xanh" cho nông nghiệp, nông thôn

Cần đẩy mạnh hình thành các "ngân hàng xanh," "tín dụng xanh" để tiếp tục “bơm vốn” việc về với khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Theo các chuyên gia, dù dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn của ngân hàng đã tăng gấp 2,5 lần trong vòng 3 năm qua, nhưng so với nhu cầu thực tế thì vẫn chưa thấm tháp.

Chính vì vậy, việc đẩy mạnh hình thành các "ngân hàng xanh," "tín dụng xanh" để tiếp tục “bơm vốn” về với khu vực nông nghiệp, nông thôn là mục tiêu mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh trong chiến lược tín dụng cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới.

Tín dụng cho nông nghiệp: Vẫn chưa đủ!

Phát biểu tại cuộc hội thảo "Giải pháp cho vay nông nghiệp nông thôn có bảo hiểm lãi suất" do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Ủy ban nhan dân tỉnh Kiên Giang, Báo Nhân dân tổ chức tại thành phố Rạch Giá-tỉnh Kiên Giang, ngày 17/10, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, thời gian qua, mặc dù nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã đến được với khu vực nông nghiệp, nông thôn theo chiều hướng tích cực, nhưng vẫn chưa theo kịp với tình hình thực tế mà nguyên nhân là do thiếu sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ngành cùng với hệ thống ngân hàng. Thêm vào đó, hoạt động cho vay vào khu vực nông nghiệp, nông thôn lại thường xuyên phải đối mặt với nhiều rủi ro mang yếu tố khách quan như bão lũ, thiên tai... cũng như các rủi ro về thị trường.

Theo đánh giá của Vụ Tín dụng-Ngân hàng Nhà nước, lúa gạo cùng với thủy sản và cây ăn trái là những thế mạnh của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước. Tuy nhiên, tình trạng người nông dân "được mùa mất giá, được giá mất mùa" thường xuyên xảy ra cùng với việc quy hoạch nuôi trồng thủy sản tràn lan, sự hoạt động kém hiệu quả của các doanh nghiệp... đã làm ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng cho các mặt hàng này.

Thực tế cho thấy, nhu cầu vốn cho nông nghiệp và nông thôn khu vục Đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn trong khi lượng vốn cho vay không đáp ứng được hết, đặc biệt trong bối cảnh khả năng huy động vốn tại chỗ còn rất hạn chế. Lượng vốn trung và dài hạn cho quá trình sản xuất vẫn còn rất thấp. Hiện lượng vốn huy động chỉ đáp ứng được khoảng 67% tổng nhu cầu vốn của toàn vùng. Vì vậy, lượng vốn thiếu hụt hàng năm được ngân hàng điều chuyển từ khu vực khác đến để cho vay ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngyên nhân khiến cho lượng vốn huy động tại chỗ chưa cao là do tâm lý của người dân chưa có thói quen gửi tiết kiệm, các giao dịch với ngân hàng còn khá hạn chế. Theo khảo sát của Tổ chức JICA (Nhật Bản) thì tiết kiệm qua ngân hàng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn rất thấp, chỉ đạt 12,5% tổng tiết kiệm. Ngoài ra, mức thu nhập của người dân ở khu vực này chưa cao nên lượng tích lũy và tiết kiệm còn thấp, từ đó làm giảm nguồn cung ứng vốn trung và dài hạn cho quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang-ông Lâm Hoàng Sa cũng nhận định, hiện nay, cơ chế khuyến khích cho vay nông nghiệp nông thôn còn mang tính cào bằng giữa 8 nhóm đối tượng chính sách đồng thời cũng chưa có cơ chế khuyến khích để các tổ chức tín dụng cho vay các phương án, dự án mang tính chất nền tảng, mở đường cho nông nghiệp nông thôn phát triển như xây dựng cơ ở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, ứng dụng công nghệ sản xuất giống cây…

Bà Phạm Thị Nghiệp, hộ kinh doanh cá thể-đại lý Trường An tại xã Bình Giang, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) phản ánh, với mức cho vay hộ cá thể 50 triệu dồng hiện nay, người nông dân gặp rất nhiều khó khăn bởi chưa đáp ứng được nhu cầu của họ. Chưa kể, nhiều thời điểm, người dân cần vốn thì ngân hàng lại “đóng cửa”.

Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế-tiến sỹ Vũ Đình Ánh, thống kê cho thấy người nông dân hiện đang phải nộp khoảng 400 các loại thuế và phí khác nhau.

“Riêng việc xử lý các khoản phí này cũng dủ là gánh nặng đối với các hộ nông dân. Thậm chí, sẽ đến lúc người nông dân phải đi vay tiền ngân hàng để đóng các loại phí này,” ông Ánh nói.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng thừa nhận, một mình ngân hàng sẽ không thể xử lý được vấn đề vốn cho khu vực nông nghiệp nông thôn, mà rất cần có sự tham gia của nhiều nguồn lực từ ngân sách, từ các nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài… Đặc biệt, trong bối cảnh cần “vốn mồi vốn” như hiện nay thì việc đưa ra những “sáng kiến” để tạo điều kiện cho bà con nông dân tiếp cận được nguồn tín dụng chính thức là rất cần thiết.

LienVietPostBank và đề án 5.000 tỷ

Tại hội thảo, sáng kiến về tín dụng có bảo hiểm lãi suất cho bà con nông dân của Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBak) nhận được rất nhiều sự quan tâm cả từ phía các ngân hàng, giới chuyên gia, các địa phương và nông dân.

Theo tiến sỹ Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPostBank, mặc dù việc xây dựng các phương án cho vay và kiểm soát sau vay ngày càng được hoàn thiện, nhưng rủi ro từ cho vay với lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn vẫn rất cao. Trong khi đó, các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp lại chưa đủ đáp ứng được yêu cầu của hàng triệu hộ dân. Đặc biệt, ở khu vực nông thôn, bảo hiểm tín dụng nông nghiệp còn rất hạn chế, gần như mới phát triển ở mức thử nghiệm.

“Vì chưa có các sản phẩm đi kèm nên nếu có sự biến động lớn về giá cả, thị trường tiệu thụ, thiên tai, dịch bệnh…, khả năng trả nợ ngân hàng của người dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nên các ngân hàng chỉ cho vay nhỏ giọt và cầm chừng,” ông Hưởng thừa nhận.
 
Chính vì vậy, LienVietPostBank đã triển khai đề án 5.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nông nghiệp nông thôn có bảo hiểm từ thiện lãi suất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn 2013-2015. Theo đó, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) sẽ đứng ra bảo hiểm miễn phí toàn bộ lãi suất tiền vay cho các đối tượng vay vốn thuộc đề án này.

Cụ thể, PTI sẽ hỗ trợ khách hàng vay vốn thông qua việc miễn phí dịch vụ tham gia bảo hiểm lãi vay đối với khách hàng vay vốn và chi trả phần bảo hiểm trong trường hợp khách hàng là hộ nông dân gặp khó khăn khách quan (thiên tai, bị tai nạn, thương tật vĩnh viễn hoặc tử vong).

Dự kiến, tổng số tiền cho vay ra từ tháng 12/2013 đến tháng 4/2014 là 5.000 tỷ đồng. Số tiền lãi được bảo hiểm dự kiến đến hết năm 2015 là 800 tỷ đồng.

“Để đảm bảo cho khoản bảo hiểm này, ngay trong ngày ký hợp đồng hợp tác bảo hiẻm từ thiện, PTI sẽ ký quỹ 10 tỷ đồng tại LienVietPostBank,” ông Hưởng cho biết.

Theo chuyên gia Vũ Đình Ánh, sáng kiến này của LienVietPostBank được coi là một trong những giải pháp, cùng với những chính sách chung của chính phủ, để tạo đột phá cho phát triển nông nghiệp và nông thôn. Tuy nhiên, ông Ánh cũng nhấn mạnh rằng, đã đến lúc cần xác định đối tượng trọng tâm của chính sách cho nông nghiệp, nông thôn mà không dừng ở khái niệm “tài chính bao trùm” như hiện nay.

“Theo tôi nên tập trung vào hộ nông dân. Không chỉ riêng nguồn vốn tín dụng của ngân hàng, mà các nguồn từ ngân sách, vốn hỗ trợ phát triển của cá tổ chức quốc tế… Bởi, hiện nay đang có tình trạng ‘lệch pha,’- có những hộ nhận được ồ ạt các nguồn lực, trong khi có những hộ lại không nhận được hoặc là nhận được rất ít," ông Ánh nói.

Chính sự “lệch pha” này, theo ông Ánh, đã khiến cho tín dụng đen len lỏi vào xã hội-mà xuất phát là từ nhu cầu thực tế cần vốn của người nông dân, doanh nghiệp…

Các chuyên gia và đại diện nhiều hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề tham gia hội thảo cũng nhất trí cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cùng với Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần ngồi lại với nhau để rà soát lại những gì còn chồng chéo trong chính sách để từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, nông thôn./.
Khánh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục